Bão số 6 đã vào ven biển miền Trung, sơ tán hơn 25 nghìn người dân ảnh hưởng

Bão số 6 đã nằm trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 12. Hiện tại, lực lượng chức năng đã sơ tán hơn 25 nghìn người ở 5 tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của bão.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

Trong đêm qua và sáng nay (27/10), khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Hình ảnh đường đi cơn bão số 6.

Vào 10h sáng nay (27/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 15-20km/h.

Đến 10h tối nay (27/10), bão số 6 nằm trên đất liền Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, tốc độ từ 3-5km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Sáng ngày mai (28/10), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông, ngược ra phía biển, trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi, sức gió cấp 6, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m. Tàu/thuyền hoạt động trong khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Trên đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Đến hiện tại, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

 Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà cửa trước bão ở tỉnh Quảng Nam (ảnh CTV).

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà cửa trước bão ở tỉnh Quảng Nam (ảnh CTV).

Quảng Bình đã cấm biển từ 0h ngày 27/10; Quảng Trị, Quảng Ngãi cấm biển từ ngày 26/10; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cấm biển từ ngày 25/10.

Lực lượng chức năng đã sơ tán 15 hộ/56 người dân ở tỉnh Quảng Trị; 815 hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế; 1.677 hộ/ 6.205 người ở Đà Nẵng; 4.412 hộ/ 18.306 người ở tỉnh Quảng Nam; 163 hộ/539 người ở tỉnh Quảng Ngãi.

Do đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, đường đi và diễn biến còn phức tạp, thời gian ảnh hưởng trên biển, đất liền kéo dài và gây mưa lớn trong những ngày tới.

Theo báo cáo công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 6 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vào sáng 27/10 yêu cầu các đơn vị phải tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến, mức độ ảnh hưởng của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh.

Tổ chức sắp xếp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; chủ động kéo dài thời gian thực hiện cấm biển.

 Trên ảnh là lực lượng chức năng đồn Biên phòng Bình Minh (tỉnh Quảng Nam) cùng người dân chằng, chống nhà cửa trước khi bão vào (ảnh CTV).

Trên ảnh là lực lượng chức năng đồn Biên phòng Bình Minh (tỉnh Quảng Nam) cùng người dân chằng, chống nhà cửa trước khi bão vào (ảnh CTV).

Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão, mưa lũ kéo dài.

Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão ảnh hưởng; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý sự cố, thông tuyến giao thông trên trục chính.

Tập trung thu hoạch diện tích lúa mùa, nuôi trồng thủy sản đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-so-6-da-vao-ven-bien-mien-trung-so-tan-hon-25-nghin-nguoi-dan-anh-huong-post318667.html