Bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Molave là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ vào miền Trung, yêu cầu các địa phương khẩn trương ứng phó.

Phát biểu trong cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt tại Đà Nẵng) chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Molave là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đổ bộ miền Trung. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ứng phó theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Báo cáo nhanh tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13h ngày 27/10, bão số 9 cách đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 440km. Khoảng hơn 10 tiếng nữa tâm bão vào bờ, mạnh nhất là cấp 14 và giật cấp 17. Bắt đầu từ đêm nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (trái) chủ trì buổi họp tại Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (trái) chủ trì buổi họp tại Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9.

Bão mạnh nhất từ sáng mai và ở khu vực đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sẽ có gió giật cấp 16. Trong bờ từ Đà Nẵng vào Bình Định giật cấp 11-12. Cơn bão này không suy yếu nhanh khi vào bờ như các cơn bão khác vì hiện nó đang đạt đỉnh về cường độ, có thể khu vực Tây Nguyên cũng có gió giật đến cấp 8-9. Mưa từ 200-240 mm”, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết.

Theo vị đại diện này, đây là cơn bão mạnh hơn cơn bão Xangsane 2006 và Damrey 2017, cực kỳ nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ứng phó bão số 9 cho biết, hiện còn 142 tàu/1.118 ngư dân hoạt động trên biển nhưng đã nắm rõ đường đi của bão, đang thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tất cả các tỉnh khác đã cấm biển.

Về sơ tán dân, Thừa Thiên-Huế có kế hoạch 19.000 hộ, đang điều chỉnh tăng lên do bão lớn hơn. Đà Nẵng sơ tán 12.000 hộ, Quảng Nam 14.800 hộ, Quảng Ngãi 24.000, Bình Định 23.000 và Phú Yên 8.000. Tất cả sẽ thực hiện xong trước 17h ngày 27/10.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó bão số 9 cho biết, các địa phương đang sức khẩn trương trong phòng chống bão.

Ông Cường nhấn mạnh: “Đây có thể nói là cơn bão đặc biệt. Xuất phát điểm hình thành phía đông Philipines nên không có ma sát, không có vật cản, đi cực nhanh. Đợt này không có không khí lạnh và khô nên không triệt tiêu được bão. Sáng 28/10 bão vào vùng biển từ Quảng Nam đến Bình Định nhưng vì phổ rộng nên ở Bắc và Nam (Huế và Phú Yên) cũng phải chuẩn bị kỹ”.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng cục Cứu hộ-Cứu nạn kiêm Chánh Văn phòng UBQG ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, để ứng phó với bão số 9, Quân khu 5 huy động 66.121 người và 1.716 phương tiện gồm tàu lớn, xuồng, trực thăng, ô tô các loại.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Quân chủng Phòng không không quân huy động 1.215 người và 121 phương tiện các loại; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 3.654 người, 185 phương tiện; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 386 người, 16 phương tiện và 602 xuồng các loại; Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam huy động 130 người, 7 phương tiện; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung có 52 người và 2 phương tiện.

Hiện Bộ Quốc phòng cũng đã cử 2 đoàn công tác vào Khánh Hòa, Quảng Nam để nắm bắt tình hình. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm lực lượng của Quân khu 7 và Quân đoàn 3 (Quân khu 5), các lực lượng của Quân chủng Hải quân, Tổng cục Hậu cần…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là cơn bão rất nguy hiểm, thời gian không còn nhiều nên phải tập trung ứng phó. Các địa phương đã rất chủ động nhưng đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đổ bộ khu vực miền Trung, nơi đang chịu nhiều tổn thương lớn sau mưa lũ nên tuyệt đối không được chủ quan. Mục tiêu là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân.

Đề nghị các địa phương hết sức chủ động với phương châm 4 tại chỗ cùng sự hỗ trợ của Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành khác. Chưa bao giờ Thủ tướng đặc biệt quan tâm, quyết liệt chỉ đạo như cơn bão này. Thủ tướng đã yêu cầu lập Sở chỉ huy tiền phương.

Vì vậy chúng ta phải đảm bảo an toàn trên biển, tiếp tục rà soát tàu thuyền, cho ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú và di dời người dân đến nơi an toàn. Tinh thần rất khẩn cấp nên phải tập trung ứng phó, giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Video: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 ở Quảng Nam

XUÂN TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bao-so-9-co-the-la-con-bao-manh-nhat-trong-vong-20-nam-qua-ar577365.html