Bão số 9: Gió giật mạnh và mưa lớn tại các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên
Bão số 9 đã gây gió giật mạnh và mưa lớn tại nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, hàng trăm ngôi nhà tốc mái, nhiều người thương vong.
Ghi nhận tại Đà Nẵng: Bắt đầu từ 10 giờ 30 ngày 28/10, gió giật mạnh, cây cối ở nhiều tuyến đường ngã đổ, nhà dân tốc mái.
Đặc biệt trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành gió rất mạnh, người đi xe máy gần như không thể di chuyển, chỉ có những xe của cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Ở những quận phía đông gồm Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, sức gió mạnh hơn.
Trước đó, để ứng phó bão số 9, Đà Nẵng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức nghỉ làm trong hôm nay. Học sinh Đà Nẵng cũng được nghỉ học. Đến 5 giờ sáng 28/10, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã kêu gọi 1.240 tàu với hơn 7.000 lao động và nơi tránh trú an toàn. Còn 2 tàu cá với 17 lao động đang hoạt động khu vực nam Biển Đông của tỉnh Cà Mau.
Chính quyền các quận, huyện đã sơ tán 20.178 hộ với 91.206 người đến các tòa nhà kiên cố để tránh trú an toàn. Hàng chục khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng mở cửa mời người dân đến tránh bão.
Sáng 28/10, tại tuyến đường tránh nam Hải Vân - Túy Loan, một số cây xanh đã ngã đổ, gây ách tắt giao thông. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông Trạm cửa ô Hòa Nhơn (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) triển khai lực lượng đến để dọn dẹp, thông tuyến.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, do làm tốt công tác ứng phó với cơn bão số 9 nên tới thời điểm hiện tại toàn TP mới ghi nhận một số cây xanh ngã đổ, vài công trình tạm bị tốc mái. Trong sáng nay, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã điều động một số phương tiện, trong đó có 3 xe bọc thép lội nước BTR152 sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu nhân dân trong bão lũ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 nên từ chiều tối và đêm qua tại địa phương này có mưa vừa, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính từ 1h ngày 28/10 đến ngày 29/10 phổ biến từ 150-200mm, có nơi trên 250mm.
Tại Quảng Nam:TP Tam Kỳ mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh liên tục. Mái tôn nhiều ngôi nhà dù được chất bao tải cát, túi bóng chứa nước nhưng vẫn bật lên. Cây cối bật gốc nằm ngã đổ trên một số tuyền đường ở TP Tam Kỳ. Những địa bàn ven biển gió mạnh, mưa lớn đã khiến một số trục đường ở phố Cổ Hội An ngập. Tại biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) gió giật mạnh, mưa không lớn, sóng biển đánh vào bờ cao hơn 3m.
Cách Tam Kỳ 150 km, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) cũng đã có mưa to, gió lớn. Thống kê ban đầu từ các xã, có hơn 20 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn. Người dân được đưa đến cơ quan công sở trú tránh.
Tại Quảng Ngãi: Sáng 28/10, mưa gió dữ dội khiến các địa phương như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi mất điện trên diện rộng.
Lý Sơn là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 9. Tại đây, gió rít mạnh từng cơn kèm theo mưa lớn, sóng biển cao 4-6 m. Mưa lớn và gió mạnh đã làm tốc một số mái nhà của người dân và trụ sở cơ quan. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo bị mất điện.
Theo thông tin ban đầu, Quảng Ngãi đã có 2 người chết do bão số 9. Đó là anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), bị ngã khi chằng chống nhà ở. Trường hợp còn lại là ông Lê Đức Hiếu (SN 1980, ở huyện Mộ Đức) bị ngã từ trên cây xuống đất khi đang tỉa cành để phòng bão. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 đã làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà ở các địa phương, nhiều hàng loạt cây cối, bảng hiệu bị ngã đổ. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.
Tại Bình Định: 15 nhà tốc mái, 6 người dân bị thương do bão số 9. Theo đó, tại thị xã An Nhơn có 2 người bị thương là bà Nguyễn Thị Thanh Ngà (SN 1973) và ông Trần Vân (SN 1967, đều ở xã Nhơn Tân), 2 người bị thương khác ở thành phố Quy Nhơn, và 2 người khác ở thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ.
Hiện tại, có 45 tàu với hơn 300 thuyền viên nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 9, các tàu đã nằm sau đường đi của bão số 9 và có khả năng chịu được sóng gió hiện tại.
Tàu cá BĐ 96388 TS với 12 lao động của ông Lê Vạn (ở xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn) và tàu cá BĐ 97469 TS với 14 lao động của ông Võ Ngọc Đoan (ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) bị phá nước và chìm, chưa liên lạc được.
Đến sáng 28/10, thị xã Hoài Nhơn tổ chức di dời 3.108 người dân tại các xã, phường: Hoài Hương, Hoài Hải, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Đức, Hoài Châu Bắc, Tam Quan đến trụ sở UBND xã, phường, trường học để tránh trú bão.
Lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo quản của cải vật chất cẩn thận khi xảy ra mưa bão lớn. Ban quản lý Cảng cá Tam Quan phối hợp với các ngành chức năng bố trí, sắp xếp neo đậu 1.490 tàu cá tại Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan, phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện và không cho bất kỳ ngư dân nào ở lại trên tàu.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều phương tiện hỗ trợ. Ngoài ra, tàu KN490 đã xuất phát lúc 9h20’ tại Nha Trang lên đường cứu hộ ngư dân gặp nạn.
Sáng 28/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tiếp tục đi kiểm tra thực tế tại TX Hoài Nhơn và trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9.
Gia Lai, Kon Tum mưa lớn
Sáng 28/10, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 9. Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cho học sinh nghỉ học 2 ngày (28-29/10) để phòng, chống, ứng phó bão và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các đơn vị chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo phương châm "bốn tại chỗ".
Trưa 28/10, một cây cầu sắt nằm trên tuyến đường liên huyện, nối giữa xã Đắk Pne với trung tâm huyện Kon Rẫy đã bị lũ cuốn trôi, 1.500 hộ dân bị cô lập. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết lũ lớn cuốn trôi cầu sắt đã làm 3 thôn của xã với gần 1.500 khẩu bị chia cắt hoàn toàn. Rất may, khi xảy ra vụ việc không có người lưu thông, qua lại trên cầu.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, UBND huyện Kon Rẫy đã huy động mọi lực lượng ứng phó với bão, đồng thời chỉ đạo di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệc hại về người và tài sản do bão số 9 gây ra…
Còn tại Gia Lai, mưa bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ vào tối qua. Sáng nay địa bàn TP Pleiku và các huyện phía bắc của tỉnh có mưa lớn kèm theo gió nhẹ, đường phố vắng người qua lại. Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã thông báo cho hơn 400.000 học sinh từ Mầm non đến THPT nghỉ học một ngày để ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.
Mưa lớn cũng đã gây mất điện diện rộng đối với 4 huyện 4 huyện, thị gồm: An Khê, K’bang, Ia Pa, Kông Chro bị sự cố lưới điện 110kv. Tại địa bàn xã vùng biên giới Ia O (Ia Grai), cũng đã diễn ra mất điện ở một số nơi từ sáng sớm.
Ngoài ra, tại huyện Phú Thiện cây cối dọc đường Quốc lộ 25 cũng ngã ra đường nhiều khiến cho việc lưu thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Công an Giao thông huyện đã huy động toàn lực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đi kiểm tra, xử lý các cây bị ngã để phục vụ giao thông được thông suốt.
Tại TP.Pleiku, một người dân bản địa trong quá trình di chuyển trên đường Nguyễn Viết Xuân, vì mưa to và gió lớn nên đã ghé vào núp ở ven đường có hàng cây cổ thụ không may bị vỉ kèo mái nhà bay xuống trúng người. Hiện, người này đã được các cơ quan chức năng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.