Bão tan, miền Trung lo chạy lũ

Liên tiếp những trận lũ lớn xảy ra trong 10 ngày tới, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 31-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão.

Lũ lớn nối đuôi

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, từ tối 30 đến 31-10, mưa lớn trải rộng từ Phú Yên đến Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên khiến mực nước các sông lên nhanh. Rạng sáng 31-10, nước từ thượng nguồn tràn qua đập thủy điện La Hiêng (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) với lưu lượng 600 m3/giây làm mực nước trên sông Kỳ Lộ lên trên báo động cấp 2. Nước tràn vào khu dân cư, nhiều khu vực trũng thấp của 2 huyện Đồng Xuân và Tuy An bị cô lập hoàn toàn. Lực lượng chức năng phải cắm biển báo trong đêm cấm người và xe qua lại.

Nước sông lên nhanh, lực lượng chức năng huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cắm biển cấm người và xe qua lại cầu Cây Cam rạng sáng 31-10. (Ảnh do Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cung cấp)

Nước sông lên nhanh, lực lượng chức năng huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cắm biển cấm người và xe qua lại cầu Cây Cam rạng sáng 31-10. (Ảnh do Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cung cấp)

Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia, vùng bị ngập lũ nặng nhất là tỉnh Quảng Ngãi. "Nguy hiểm là sông Vệ có vùng hạ lưu thấp nên sẽ bị ngập trên diện rộng. Còn mưa đến sáng 1-11 thì nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung sẽ rất cao" - TS Khiêm cảnh báo.

Đây không phải là trận lũ cuối cùng trong năm 2019 mà miền Trung và Tây Nguyên gánh chịu. Theo dự báo của Trung tâm KTTV quốc gia, từ ngày 3 đến 6-11 tiếp tục có 1 trận bão đổ bộ vào miền Trung kèm theo lũ lớn. Sau đó 2 ngày, một đợt mưa rất lớn, tiếp tục gây lũ diện rộng.

Tránh bị động khi lũ đến

Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cũng cho biết trong 10 ngày tới, nguy cơ ngập lụt sẽ kéo dài, gây lũ quét, sạt lở đất. Nhiều hồ chứa nước ở khu vực Tây Nguyên đã tích nước 90% dung tích thiết kế nên lũ kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn hồ đập.

Lực lượng chức năng xã Trà Tân (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) giải cứu người đi làm rẫy bị mắc kẹt trong nước lũ. Ảnh: KIỀU MINH

Lực lượng chức năng xã Trà Tân (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) giải cứu người đi làm rẫy bị mắc kẹt trong nước lũ. Ảnh: KIỀU MINH

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho hay để chủ động ứng phó với lũ, hiện các hồ thủy lợi chưa cho phép tích nước. Ở các hồ thủy điện, hiện mực nước còn thấp nên các chủ đầu tư vẫn cho tích nước để chạy máy. Trước khi lũ về, các hồ thủy điện sẽ chủ động xả nước để đón lũ, hạn chế áp lực lũ lên vùng hạ du.

Mưa lũ khiến hàng trăm nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng, tốc maíẢnh: TỬ TRỰC

Mưa lũ khiến hàng trăm nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng, tốc maíẢnh: TỬ TRỰC

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm do sau nhiều đợt bão, thiệt hại về bão không lớn nhưng thiệt hại do lũ lại rất nặng nề. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phải chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. "Đặc biệt là các hồ đập, đê kè xung yếu có khả năng bị hỏng do lũ. Cần quản lý chặt các hồ thủy điện và thủy lợi. Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT phải chịu trách nhiệm cùng các địa phương, làm sao bảo đảm an toàn tối đa tính mạng và tài sản cho người dân".

Phó Thủ tướng lưu ý miền Trung - Tây Nguyên có độ dốc cao nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất lớn, cần chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi lũ đến.

Tan hoang sau bão

Do ảnh hưởng của bão số 5, ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hàng loạt cây cổ thụ đổ trơ gốc chắn ngang đường, nhiều cổng chào đổ sập, mái tôn từ các hàng quán bay khắp nơi. Một số tuyến đường ngập sâu hơn nửa mét như đường Hùng Vương, Võ Thị Sáu... Nước ngập sâu chia cắt nhiều tỉnh lộ, huyện lộ.

Đến chiều 31-10, mực nước hầu hết các sông ở Quảng Ngãi đều dâng cao, nhiều nơi vượt mức báo động 3. Huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành đã di dời hàng ngàn hộ dân vùng ngập úng về nơi an toàn. Toàn tỉnh ghi nhận 5 người bị thương, mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng. Lực lượng chức năng huyện Trà Bồng đã giải cứu 5 người bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ sông Giang.

Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã cấp điện trở lại ở các khu vực bị mất điện của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên do bão số 5 gây ra.

A.Tú - T.Trực - H.Dũng

Nhiều tàu lớn gặp nạn

Sáng 31-10, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, cho biết do ảnh hưởng của bão, một tàu chở dầu do Công ty TNHH Quản lý tiếp vận Liên Minh làm chủ, trọng tải 4.999 tấn neo đậu tại cảng Dung Quất bị sóng lớn đánh vào bờ ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện sức khỏe của 15 thuyền viên trên tàu được an toàn.

Thượng tá Võ Tiến Nghị, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết lực lượng chức năng đã cứu được 12 người trên tàu Thành Công. Trưa 31-10, khi còn cách cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) khoảng 10 km, tàu gặp sự cố và chìm. Do sóng to, gió lớn nên công việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

T.Trực - Đ.Ngọc

HỒNG ÁNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-tan-mien-trung-lo-chay-lu-20191031213543051.htm