Bảo tàng dành riêng cho bản đồ La Mã cổ đại
Tấm bản đồ khổng lồ bằng đá cẩm thạch của La Mã cổ đại, chưa từng được công bố trong gần 100 năm qua, đã có bảo tàng riêng của mình, ngay gần Đấu trường La Mã của thủ đô Roma, Italia. Việc trưng bày tấm bản đồ quý giá này sẽ giúp thúc đẩy du lịch của thành phố.
Bảo tàng được đặt theo tên của tấm bản đồ La Mã cổ đại bằng đá cẩm thạch Forma Urbis, nằm trong một công viên khảo cổ mới trên đồi Celio, một trong bảy ngọn đồi nổi tiếng của Roma. Chính quyền thành phố Roma cho rằng bảo tàng sẽ hút thêm nhiều khách du lịch đến khám phá về lịch sử huy hoàng của Italia.
Forma Urbis là một bản đồ bằng đá cẩm thạch khổng lồ, có độ chi tiết cao về La Mã cổ đại được chạm khắc dưới thời trị vì của Hoàng đế Septimius Severus trong khoảng thời gian từ năm 203 đến năm 211 sau Công nguyên, bản đồ được khắc trên 150 phiến đá riêng biệt và có kích thước 18 x 13 mét.
Nó được trưng bày trên một bức tường ở thành phố cổ, nhưng qua nhiều thế kỷ, tấm bản đồ đã bị hư hại. Nhiều người dân địa phương lấy một một số tấm đá của bản đồ để xây dựng các ngôi nhà.
Trong cuộc khai quật năm 1562, các mảnh vỡ đã được tìm thấy và các học giả ước tính khoảng 10% tổng thể bản đồ còn sót lại, bao gồm các phần thể hiện Đấu trường La Mã và Rạp xiếc Maximus, cũng như sơ đồ mặt bằng của phòng tắm, đền thờ và nhà riêng.
Bản đồ là một nguồn tài nguyên quý giá để hiểu cách bố trí của La Mã cổ đại và được sử dụng như một công cụ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm quy hoạch đô thị, điều hướng và hành chính công.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bao-tang-danh-rieng-cho-ban-do-la-ma-co-dai-213883.htm