Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được công nhận là di tích cấp thành phố
UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp TP cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Bảo tàng khánh thành, mở cửa từ năm 1919. Tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng vào năm 1915 dưới sự bảo trợ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, là sự kết hợp các mô típ trang trí đặc trưng của kiến trúc đền tháp Chăm với các nguyên tắc truyền thống của kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20. Mặc dù trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn được bảo tồn.
Hiện bảo tàng đang trưng bày khoảng 400 tác phẩm điêu khắc của nền văn hóa Chămpa, đồng thời lưu giữ 6 bảo vật quốc gia và hàng ngàn hiện vật. Bảo tàng cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng công nghệ mã quét QR với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Nguyên Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, NSND Huỳnh Hùng, đánh giá Bảo tàng Điêu khắc Chăm như một “viên ngọc quý” trong hệ thống bảo tàng cả nước. Chỉ riêng tòa nhà bảo tàng đã là một di tích kiến trúc nghệ thuật.
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, việc bảo tàng điêu khắc Chăm là sự ghi nhận xứng đáng của thành phố đối với những giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật mà bảo tàng đang lưu giữ. Đồng thời, việc được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị trong việc quản lý, bảo tồn di tích theo Luật Di sản văn hóa, đóng góp quảng bá văn hóa và kích cầu du lịch thành phố trong thời gian đến.