Bảo tàng gốm Bát Tràng: Cầu nối lan tỏa văn hóa gốm đến du khách

Bảo tàng gốm Bát Tràng 'Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt' nổi bật với kiến trúc độc đáo, trở thành cần nối đưa tinh hoa văn hóa gốm Bát Tràng đến du khách.

Đến với Bảo tàng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng những sản phẩm đồ đồ gốm đẹp mắt, tinh xào mà còn tìm hiểu quá trình làm ra đồ gốm, nghe những câu chuyện về sự ra đời của làng gốm hơn 500 tuổi.

Bảo tàng gốm Bát Tràng, cầu nối đưa tinh hoa văn hóa gốm đến du khách

Bảo tàng gốm Bát Tràng, cầu nối đưa tinh hoa văn hóa gốm đến du khách

Nằm bên bờ sông Bắc Hưng Hải, Bảo tàng gốm Bát Tràng nổi bật với kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay - một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. 7 cái trụ xoay cũng là 7 cái bàn xoay như quá trình người thợ chuốt, vuốt sản phẩm gốm bằng đất sét và thổi hồn vào tác phẩm.

Tông màu chủ đạo của Bảo tàng gốm Bát Tràng màu nâu đất

Tông màu chủ đạo của Bảo tàng gốm Bát Tràng màu nâu đất

Tông màu chủ đạo của Bảo tàng gốm Bát Tràng là màu nâu đất, chính là màu của đất sét - nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa sông Hồng, bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng nghề gốm Bát Tràng.

Tầng 1, nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật tâm đắc nhất của các nghệ nhân

Tầng 1, nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật tâm đắc nhất của các nghệ nhân

Du khách đến tìm hiểu và mua sắm

Du khách đến tìm hiểu và mua sắm

Được biết mỗi tầng ở Bảo tàng gốm Bát Tràng “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt” có một công năng khác nhau. Trong đó: Tầng 1 của tòa nhà là một quảng trường, nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật tâm đắc nhất của các nghệ nhân, được xem là nơi kết nối tâm hồn giữa nghệ nhân và du khách tham quan. Đây còn là không gian triển lãm, nơi tổ chức các sự kiện festival, chương trình văn hóa cổ truyền.

Không gian tầng 2 của Bảo tàng gốm Bát Tràng là nơi trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo, giá trị về nghệ thuật xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Bát Tràng, giúp du khách vừa tham quan, khám phá và có cái nhìn tổng quan về lịch sử của nghề gốm. Tại đây, du khách được tìm hiểu, chiêm ngưỡng những dụng cụ đặc trưng trong nghề gốm như: Lò bầu, lò hộp, lò ga. Bên cạnh đó, là những vật dụng sinh hoạt thời ông bà ta được khôi phục lại dưới bàn tay tài tình của người nghệ nhân.

Các sản phẩm gốm sứ từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19

Các sản phẩm gốm sứ từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19

Những tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân

Những tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân

Hình ảnh con thuyền đã mang những người khai phá đầu tiên đến vùng đất Bát Tràng tại không gian trưng bày

Hình ảnh con thuyền đã mang những người khai phá đầu tiên đến vùng đất Bát Tràng tại không gian trưng bày

Không gian thiết kế mở trưng bày là các sản phẩm gốm sứ từ thế kỷ thứ 10 đến 19 nhằm mục đích giới thiệu cho công chúng về sự quan trọng của nghệ thuật gốm sứ trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Các chủ đề chính là “Sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng”, “Câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng”, “Tôn vinh, giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân thuộc 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng”, “Không gian nghiên cứu về nghề gốm”...Điểm nhấn của không gian trưng bày là mô hình tinh xảo mô phỏng hình ảnh con thuyền đã mang những người khai phá đầu tiên đến vùng đất Bát Tràng.

Tầng 3 Bảo tàng gốm Bát Tràng là những trải nghiệm về các tác phẩm gốm đương đại, hiện đại. Khu triển lãm nói lên sự cập nhật, đổi mới không ngừng giữa xu hướng xã hội luôn đổi mới từng ngày.

Đến với Bảo tàng gốm Bát Tràng du khách không chỉ vừa tham quan trải nghiệm tìm hiểu thêm về nghề gốm cũng như những sản phẩm làm từ gốm mà còn có những bức hình check - in siêu đẹp. Bên cạnh đó du khách còn tìm được những sản phẩm gốm ưng ý có thể mua sắm cho gia đình và làm quà cho người thân.

Trải nghiệm làm nghề gốm của du khách

Trải nghiệm làm nghề gốm của du khách

Bé làm nghệ nhân làm gốm

Bé làm nghệ nhân làm gốm

Đặc biệt hầu hết du khách khi tới bảo tàng gốm Bát Tràng đều rất thích thú với trải nghiệm tự tay nặn những sản phẩm được làm từ gốm và men sứ tại tầng hầm. Du khách và rất đông các bạn trẻ được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình cách sử dụng đất sét và thao tác với bàn xoay. Với không gian rộng rãi, đây là địa điểm lý tưởng cho các đoàn khách lớn, nhất là các em học sinh tham quan, trải nghiệm.

Có thể thấy, Bảo tàng gốm Bát Tràng không chỉ là trung tâm văn hóa gốm sứ, công trình là không gian sinh hoạt cộng đồng, gắn kết người dân Bát Tràng và lan tỏa giá trị ra thế giới. Với mong muốn tôn vinh nghề gốm, vinh danh quê hương, quảng bá các giá trị văn hóa của làng nghề, Bảo tàng gốm Bát Tràng là cầu nối đưa những tinh hoa văn hóa nghề gốm tới du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi còn đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng Bát Tràng giúp họ duy trì và phát triển bền vững nghề gốm của cha ông.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-tang-gom-bat-trang-cau-noi-lan-toa-van-hoa-gom-den-du-khach-258749.html