Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - Gia tài để lại đời sau
Nói đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TPHCM), trong lời Mở đầu cuốn sách 'Mười hai năm một chặng đường' do Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ thực hiện và ấn hành năm 1995 có viết: Đây là gia tài của những người Mẹ, người Chị và những đứa em đã vĩnh viễn nằm xuống cho sự sinh tồn của Tổ quốc và dân tộc, cho những người còn sống. Đó là hành trang quý báu dành cho thế hệ hôm nay và mai sau đi vào đời, một cuộc đời lộng lẫy với những nét son của quá khứ và rực rỡ những kỳ vọng ở tương lai.

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Sau 40 năm hình thành, từ Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam bộ (29/4/1985), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ ngày nay là một công trình khang trang, hiện đại tại trung tâm thành phố. Nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật, thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu các chuyên đề có ý nghĩa lịch sử về phong trào đấu tranh cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của phụ nữ Nam bộ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
Riêng trong không gian tầng 2 của Bảo tàng, giới thiệu 4 chuyên đề tiêu biểu phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam, gồm: Đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ miền Nam; Đấu tranh võ trang của phụ nữ miền Nam; Phụ nữ miền Nam trong công tác ngoại giao; Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam

Đoàn Phụ nữ tỉnh Bến Tre thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Đối với nhiều du khách đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng, khu vực trưng bày, giới thiệu về phong trào Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam thực sự để lại nhiều ấn tượng. Bởi tại đây, khách thăm quan có thể thấy, hiểu được quá trình đấu tranh trong ngục tù vô cùng khốc liệt mà các thế hệ nữ chiến sĩ cách mạng miền Nam đã đối mặt và vượt qua. Dù không gian không quá lớn nhưng cũng đủ diễn tả được cuộc đọ sức mà lợi thế nghiêng hẳn về những người có đầy đủ quyền lực, thủ đoạn tinh vi và sẵn sàng dùng bạo lực để tra tấn những người phụ nữ cách mạng đang bị giam trong bốn bức tường kín, trong tay không có một thứ vũ khí tự vệ để buộc họ phải khuất phục.

Nơi đây cũng là điểm đến thường xuyên của các đoàn khách quốc tế muốn tìm hiểu về lịch sử, các phong trào đấu tranh của quân dân, phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ
Đó là hệ thống các nhà tù, trại giam của thực dân và đế quốc ở miền Nam có giam giữ phụ nữ, như: Khám Lớn Sài Gòn, Bót Catina, Khám Phú Mỹ, Khám Chí Hòa, Trại giam Bà Rá, Đề lao Gia Định, Trại giam Hạnh Thông Tây, nhà tù Vũng Tàu, Phú Lợi, Côn Đảo, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Tài, Lao Thừa Phủ - Huế, Lao Quảng Trị. Nơi đó, tấm gương của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung của miền Nam đã đi vào huyền thoại như Anh hùng LLVTND - liệt sĩ Võ Thị Sáu, liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Bảy…; đến những nữ chiến sĩ cách mạng đã anh dũng đấu tranh, bước ra khỏi nhà tù, tiếp tục cống hiến và xây dựng quê hương lúc thời bình, phải kể đến bà Nguyễn Thị Tâm (Trương Mỹ Hoa), Anh hùng LLVTND Võ Thị Thắng, chiến sĩ biệt động "Tiểu Long Nữ" Phùng Ngọc Anh… và cả những nữ chiến sĩ nữ tù chính trị bị tra tấn cho đến tàn phế suốt đời như bà Mai Thị Nương (bí danh Hồng Hạnh, 1940-1960), Anh hùng LLVTND Trần Thị Lý (tên thật Trần Thị Nhâm, 1933-1992), nữ biệt động Huỳnh Thị Kiều Thu (1951-2012).
Bên cạnh các phong trào đấu tranh, các hình thức tra tấn, các nhà tù khắc nghiệt, điều đọng lại và gây nhiều cảm xúc với khách thăm quan có lẽ là các kỷ vật của những nữ chiến sĩ cách mạng. Dù trong chốn lao tù nhưng các Bà, các Dì vẫn tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa không gì so sánh được. Đó là Bức tranh "Uyên ương thêu dở" của bà Nguyễn Thị Lựu (Đỗ Thị Thưởng, 1909-1988); áo gối thêu của bà Lê Thị Tâm thêu tại nhà tù Tân Hiệp ngày 17/10/1970, gửi về cho con gái là bà Trần Hữu Hạnh; Vải thêu "Chùa Một Cột" của bà Trần Tài Chi (Vương Muội); Bài thơ "Ước mơ" của Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Lê Thị Riêng; Bút tích xác nhận sẽ trở về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của nữ tù chính trị Nguyễn Thị Hiệp khi bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam…

Các em học sinh tìm hiểu tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Để có được những kỷ vật, các câu chuyện kể cho thế hệ mai sau, các thế hệ cán bộ, nhân viên Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam bộ năm xưa và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hôm nay, đặc biệt là tâm huyết của 13 nữ chiến sĩ cách mạng, nữ cán bộ thuộc Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ đầu tiên đã dày công tìm hiểu, sưu tầm và lưu giữ rất cẩn thận.
Ngày nhận quyết định về công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng là ngày Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam bộ chính thức được công nhận là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, đúng vào dịp sinh nhật Bác năm 1990, với nhà văn Trầm Hương, nơi đây để lại cho chị nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Chị chia sẻ: "Năm 1990, với khả năng viết của mình, tôi được nhiều cơ quan báo chí mời làm việc. Nhưng chính tấm gương của các Dì đã giúp tôi gắn bó với Bảo tàng đến tận ngày về hưu. Các Dì Nguyễn Thị Thập (Mười Thập), Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), Trương Thị Thu, Hồ Thị Bi, Đỗ Duy Liên (Tư Liên)… cũng như các Dì khác trong Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ đã dành trọn tâm sức của mình; cùng cán bộ, nhân viên sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu vô cùng quý giá về phong trào đấu tranh của các nữ chiến sĩ cách mạng của miền Nam. Các dì là những con người tận tâm với công việc chung, với phong trào phụ nữ. Chính tấm gương của các Dì đã giúp tôi gắn bó với Bảo tàng đến tận ngày về hưu…".

Nhà văn Trầm Hương (bên trái hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng các Dì cách mạng lão thành trong dịp mừng thọ 90 tuổi của bà Ngô Thị Huệ
Về công tác sưu tầm tư liệu, kỷ vật cho Bảo tàng, nhà văn Trầm Hương kể lại: Trong quá trình công tác, tôi đã đi và gặp rất nhiều nhân vật, từ những nữ giao liên đến những con người làm nên các kho vũ khí; nữ biệt động, tình báo… và thật sự xúc động khi bảo tàng được tiếp nhận những kỷ vật vô cùng giá trị. Như chiếc đồng hồ của 1 sĩ quan Mỹ tặng Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) và một số kỷ vật khác trong quá trình ẩn mình trong lòng địch để đấu tranh… Hay các kỷ vật của nữ liệt sĩ Mai Chánh Tâm, chiếc máy may từ người may cờ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc lược của chị Huỳnh Anh Khanh…
Trong rất nhiều câu chuyện, kỷ vật được tiếp nhận, với nhà văn Trầm Hương, câu chuyện về bộ quần áo của Mẹ VNAH Đoàn Thị Nghiệp (má Tám Nghiệp ở Mỹ Tho, Tiền Giang) may cho chồng trong những ngày chiến tranh ác liệt đã để lại cho chị nhiều cảm xúc. Theo nhà văn Trầm Hương, các kỷ vật sẽ không phát huy được ý nghĩa nếu chúng ta không hiểu và nói lên câu chuyện về kỷ vật đó. Với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, hầu hết kỷ vật đều gắn với từng câu chuyện của riêng mình.

Nhàn văn Trầm Hương và Mẹ VNAH Cao Thị Quảng ở Định Quán, Đồng Nai
Tinh thần "Mỗi kỷ vật là 1 câu chuyện" của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã được quán triệt ngay từ những ngày đầu. Trong cuốn sách "Mười hai năm một chặng đường",các Bà, các Dì thuộcTổ Sử Phụ nữ Nam bộ đã khẳng định: "Trong quá trình đi thu thập tài liệu, ta tìm tòi trong nhân dân xin lại những kỷ vật nào có thể xin được để đem về tập trung trưng bày cho người xem thấy rõ những điều ta nói là có thật. Như vậy, sức thuyết phục mới cao. Hơn nữa, những kỷ vật ấy về lâu dài sẽ là vô giá, bởi vì, mỗi kỷ vật trưng bày đều dính liền với những thành quả cách mạng và xương máu của chị em trong các thời kỳ".
Có thể nói, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là địa chỉ với nhiều yếu tố đặc biệt. Bởi đây là bảo tàng đầu tiên do những người phụ nữ tham gia cách mạng đứng ra vận động xây dựng nhằm tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn thành quả cách mạng, một quá khứ hào hùng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, với nguồn tư liệu, kỷ vật phong phú của mình, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là chứng nhân cho những thành tích trong đấu tranh chính trị - binh vận, võ trang, ngoại giao và đấu tranh trong lao tù của phụ nữ miền Nam đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Đó cũng là gia tài vô giá mà các thế hệ đi trước đã dày công xây đắp, để lại cho thế hệ hôm nay và mãi về sau.