Bảo tàng tí hon đặc biệt nhất thế giới: Chỉ mở cửa khi chủ nhân 'thích', kho báu vô giá không phải ai cũng có
Dòng chữ trên tấm biển treo ở cửa bảo tàng đủ khiến bất cứ ai đi qua cũng phải dừng lại và mỉm cười.
Trên một con phố nhỏ yên tĩnh ở Kyoto, Nhật Bản, ngay gần Đền Kennin-ji, có một viện bảo tàng tí hon trưng bày các tác phẩm nghệ thuật truyền thống Ukiyo-e, hay gọi là tranh in khắc gỗ truyền thống của xứ Mặt trời mọc. Cho những ai chưa biết thì Ukiyo-e là một trường phái hội họa phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX tại Nhật Bản. Ukiyo-e thường được in trên giấy washi. Chúng có màu sắc rực rỡ và thể hiện nhiều đề tài khác nhau.
Vào thời Edo, những bức tranh được làm bằng cọ rất đắt tiền. Ukiyo-e trở thành một phần phổ biến của văn hóa trong công chúng khi họ bắt đầu khắc gỗ, rẻ hơn.
Theo Amusing Planet, bảo tàng Ukiyo-e tí hon này thuộc sở hữu của ông Ichimura Mamoru, một trong 50 nghệ sĩ ukiyo-e cuối cùng của Nhật Bản. Ngay ở cửa vào, du khách sẽ nhìn thấy tấm biển với dòng chữ:BẢO TÀNG UKIYOE TÍ HON, CHỈ MỞ CỬA KHI TÔI THỨC DẬY VÀ ĐÓNG KHI TÔI MUỐN ĐI NGỦ, KHI TÔI THẤY MỆT THÌ CŨNG ĐÓNG".
Dòng chữ này đủ khiến bất cứ ai đi qua cũng phải dừng lại và mỉm cười. Nhưng thông báo trung thực đến mức gây cười về giờ làm việc của bảo tàng này không phải là điểm thu hút thực sự. Kho báu thực sự nằm ẩn sau cánh cửa.
Nếu may mắn ghé qua đúng lúc bảo tàng mở cửa, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Bên trong, bạn sẽ được nhìn thấy các bản in khắc gỗ truyền thống ukiyo-e, phổ biến từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Loại hình nghệ thuật độc đáo này lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XVI và thường mô tả những cảnh trong cuộc sống hàng ngày. Mãi đến thế kỷ 18, ukiyo-e mới trở thành một loại hình nghệ thuật phổ biến, một phần nhờ vào những tiến bộ trong kỹ thuật in khắc gỗ.
Chủ đề của các bức tranh cũng thay đổi từ những cảnh đời thường sang những người phụ nữ đẹp, diễn viên kabuki và đô vật sumo, những cảnh trong lịch sử và truyện dân gian, du lịch và phong cảnh, hệ thực vật và động vật... Ảnh hưởng của tranh in khắc gỗ còn lan tỏa đến các nước phương tây, ngay cả những tên tuổi họa sĩ lừng danh như Van Gogh, Monet, cũng từng có các tác phẩm lấy cảm hứng từ phong cách tranh in gỗ.
Ông Ichimura Mamoru bắt đầu tập luyện làm tranh ukiyo-e từ khi còn rất nhỏ, đến khi trưởng thành thì kế thừa nghề nghiệp này từ ông nội. Vào đầu những năm 2000, ông Ichimura đã mở bảo tàng để truyền bá về bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này.
Thực hiện các bản in khắc gỗ là một quá trình gồm nhiều giai đoạn, thường có sự tham gia của nhiều nghệ nhân khác nhau.
Đầu tiên, ý tưởng về bức tranh được thực hiện trên giấy, sau đó được chạm khắc vào các khối gỗ. Tiếp theo, nghệ nhân bôi mực màu lên các khối gỗ ấy và họa tiết được in ra giấy washi.
Ông Ichimura Mamoru tự mình thực hiện cả ba vai trò - nghệ sĩ, thợ chạm khắc và thợ in. Toàn bộ quá trình mất rất nhiều công sức, nhưng một khi các hình khối đã hoàn thiện, việc sản xuất hàng loạt cho cùng một tác phẩm sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bảo tàng của ông Ichimura Mamoru đã trở nên rất nổi tiếng cách đây vài năm khi hình ảnh về tấm biển khác thường mà ông treo ở phía trước thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Biển hiệu ban đầu là tiếng Nhật. Nó hài hước đến mức một du khách đã giúp ông dịch nó sang tiếng Anh vào năm 2003. Kể từ đó, bảo tàng của ông Ichimura Mamoru đã trở nên nổi tiếng hơn.
Giờ giấc mở cửa hơi lạ nhưng bạn sẽ được tiếp đón nhiệt tình bởi ông chủ bảo tàng. Ông Ichimura Mamoru rất vui khi trò chuyện về tác phẩm của mình và thậm chí sẽ chỉ cho bạn cách tạo ra các bức tranh.
Hiện nay, còn lại rất ít nghệ nhân ukiyo-e ở Nhật Bản nên chuyến tham quan bảo tàng nghệ thuật của ông Ichimura Mamoru chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể quên với bất kỳ du khách nào.
Nguồn: Amusingplanet, Atlas Obscura