Chuyển hóa tiềm năng sáng tạo
Tăng trưởng về quy mô và khả năng thu hút nghệ sĩ, công chúng qua từng năm, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đang trở thành một trong những sự kiện văn hóa được mong đợi, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại. Kỳ vọng Lễ hội trở thành một biennale nghệ thuật quốc tế, giám tuyển, nghệ sĩ thị giác NGUYỄN THẾ SƠN cho rằng, cần có hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo, mang lại lợi ích kinh tế, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Ngày hội của sáng tạo
- Tham gia Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội từ những ngày đầu cho tới nay, ông đánh giá như thế nào về sự cộng hưởng, kết nối, đánh thức tinh thần sáng tạo?
- Tham gia từ phiên bản đầu tiên Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo năm 2021 cho tới nay là 4 năm, tôi thấy Lễ hội ngày càng trở nên chuyên nghiệp và tiếp cận đông đảo công chúng hơn. Từ mô hình nhỏ ở không gian 22 Hàng Buồm (khoảng 2.000m2) rồi rộng dần ra, đến nay, lễ hội đã trở thành một tour, chuỗi khám phá di sản. Tôi cho đây là ý tưởng rất thú vị khi kết nối các di sản kiến trúc mang tính cốt lõi của đô thị, thấy được điểm nhấn của bối cảnh để các sáng tạo nghệ thuật thị giác, thiết kế được thi triển. Đây là cách để khám phá lại thành phố với con mắt mới - con mắt của nghệ thuật.
Nếu năm 2021, Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo thu hút khoảng 5.000 người/ngày. Đến mùa sau, cùng với một loạt dự án và pavilion ở Bờ Hồ, tiếp đó là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, bước đầu thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Năm ngoái, tại Tháp nước Hàng Đậu bắt đầu có hiện tượng xếp hàng, thì năm nay công chúng xếp hàng cả ngày tại một số điểm tham quan. Điều đó cho thấy nhu cầu đã tăng dần đều và chính vì nhu cầu ấy Ban tổ chức có áp lực năm sau phải làm lớn hơn, chất lượng hơn và cần nhiều sự chung tay của giới sáng tạo hơn.
- Lễ hội năm nay có thêm nhiều giám tuyển, nghệ sĩ và kiến trúc sư tham gia, dường như đã trở thành ngày hội của những người làm sáng tạo. Ông có thể phân tích thêm về điều này?
- Qua 4 mùa, Lễ hội thu hút nhiều thành phần tham gia, với nhiều giám tuyển và nghệ sĩ hơn. Thông điệp của Lễ hội năm nay là sự làm việc đa ngành và hợp tác chặt chẽ giữa kiến trúc sư, nghệ sĩ thị giác và nhà thiết kế. Tôi thấy dần dần có các yếu tố làm việc nhóm, làm việc đan xen, làm việc cùng nhau để tạo ra những sản phẩm, tác phẩm có chất lượng.
Đặc biệt, Lễ hội đã hướng nhiều tới nghệ thuật đương đại, nghệ thuật cộng đồng, mang tính tương tác nhiều hơn là câu chuyện về nghệ thuật hàn lâm. Thậm chí năm nay có sự góp mặt của những người thực hành nghệ thuật đương đại mà bình thường sẽ rất khó để nhìn thấy tác phẩm, thực hành của họ được trưng bày cho số đông công chúng. Đặc biệt, ở Cung Thiếu nhi Hà Nội có đội ngũ giám tuyển, nghệ sĩ trẻ xuất hiện và lúc đầu có thể khá lạ lẫm với người xem thông thường. Đó là cách tiếp cận táo bạo để mọi người dần quen với thực hành nghệ thuật đương đại.
Có thể thấy, không chỉ thu hẹp ở trong giới chuyên môn, Lễ hội đã mở rộng cách tiếp cận của nghệ thuật, trở thành ngày hội của những người làm sáng tạo, ngày hội của người trẻ yêu thích đổi mới sáng tạo.
Cần hệ sinh thái bền vững cho sáng tạo
- Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 hội tụ khá đầy đủ các ngành công nghiệp văn hóa. Qua đó, ông thấy cơ hội nào cho những người làm sáng tạo, trong bối cảnh thời gian qua Nhà nước đã có đường hướng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này?
- Tôi nhìn thấy bóng dáng của những biennale nghệ thuật quốc tế. Các thành phố trong khu vực đều có những biennale nghệ thuật uy tín, thu hút rất nhiều khách tham quan nội địa và quốc tế, đặc biệt là mang lại doanh thu lớn. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác ở Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để làm được điều đó. Đồng thời, nguồn lực của giới làm sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam cũng bắt đầu chín muồi.
Tôi kỳ vọng những mùa lễ hội không chỉ như một phong trào trong vài tuần hay vài tháng mà sẽ có tác động lâu dài. Điều này đòi hỏi cách thức vận hành, thúc đẩy hợp tác công tư để nghệ sĩ có thêm nhiều nguồn lực, cơ hội thể hiện sáng tạo ở những không gian xứng đáng. Chẳng hạn có những đơn vị khai thác các dự án nghệ thuật để tạo ra giá trị bền vững, thay vì trưng bày trong thời gian rất ngắn. Đây cũng là lúc nên nghĩ tới việc đưa các không gian di sản thành điểm tham quan. Điều quan trọng ở đây chính là các hoạt động phải mang lại lợi ích về kinh tế, thay vì ban tổ chức cố gắng rót tiền đầu tư một chiều.
- Có lẽ đây là vấn đề cốt yếu để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam?
- Những chính sách lớn về phát triển công nghiệp văn hóa bắt đầu chuyển dịch, nhưng bài toán về công nghiệp văn hóa chỉ giải được khi có đầu tư và cả nguồn thu từ sản phẩm dịch vụ, có thể không hẳn phải bán sản phẩm gì, mà chỉ bán trải nghiệm… Ví dụ vé vào xem Venice Biennale trong 3 ngày vài chục euros nhưng vẫn thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Xung quanh Việt Nam đang có Bangkok Biennale, vé không hề rẻ, chúng tôi phải sang 1 tuần mới xem được hết. Đấy là kinh tế.
Tuy nhiên, để làm được như vậy cần hệ sinh thái mà các bên đều có lợi ích. Đây là câu chuyện “win - win”, cả nhà nước, người làm sáng tạo, công chúng, các điểm đến đều có thể được hưởng lợi.
- Còn những thách thức nào mà Việt Nam cần phải vượt qua để phát triển công nghiệp văn hóa, thưa ông?
- Chúng ta đang thiếu những triển lãm, hội chợ nghệ thuật tầm cỡ quốc tế để thu hút được sự sáng tạo không chỉ trong nước mà của nghệ sĩ khắp thế giới. Bên cạnh đó, tôi thấy đang thiếu trầm trọng những người kể chuyện, làm ra các triển lãm, chính là những giám tuyển. Những dự án, lễ hội, biennale trên thế giới, và ở Việt Nam, chỉ diễn ra được khi có giám tuyển. Thậm chí các biennale ở Thái Lan, Singapore thuê giám tuyển quốc tế.
Qua các lễ hội, các nghệ sĩ đang cố gắng làm cho nghệ thuật đương đại trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Tuy vậy, ở Việt Nam đang thiếu thị trường để có thể “nuôi” được nghệ thuật. Chỉ khi du khách, công chúng quen dần với việc chi tiêu thưởng thức nghệ thuật, sưu tập, có mua bán, mới tạo thành thị trường. Hy vọng thời gian tới khi giáo dục ở phổ thông trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức cơ bản về nghệ thuật sẽ giúp họ hình thành thói quen thưởng thức và trở thành người tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật trong tương lai.
- Xin cảm ơn nghệ sĩ!
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-hoa-tiem-nang-sang-tao-post396650.html