Bảo tàng tư nhân trưng bày hiện vật quý, hiếm về 54 dân tộc và triều Nguyễn

Tại TP.HCM vừa ra mắt, khai trương 2 bảo tàng tư nhân trưng bày hàng ngàn cổ vật, hiện vật về trang sức của 54 dân tộc và các vật dụng xa hoa, mỹ lệ trong cung cấm của 13 đời vua triều Nguyễn.

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn thuộc hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng. Hai bảo tàng được bố trí thành các khu vực trưng bày riêng biệt, tại tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM.

Du khách tham quan, tìm hiểu về bộ chén dĩa ẩm thực triều Nguyễn tại bảo tàng

Du khách tham quan, tìm hiểu về bộ chén dĩa ẩm thực triều Nguyễn tại bảo tàng

Tại Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày hàng ngàn bộ trang sức cổ cùng trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em. Từ vòng cổ, bông tai, vòng tay, nhẫn (một số dân tộc có thêm vương miện, cài tóc) kết hợp cùng những bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ các hoa văn, đã thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán của từng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Toàn bộ đều là những hiện vật gốc có niên đại hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ 20, được chế tác từ các chất liệu như: vàng, bạc, ngọc, ngà, hổ phách, mã não, thạch anh, lưu ly, pha lê, ngọc trai, xà cừ, đồi mồi…

Trang phục của các nghệ nhân biểu diễn nhã nhạc cung đình thời Nguyễn

Trang phục của các nghệ nhân biểu diễn nhã nhạc cung đình thời Nguyễn

Còn tại Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những cổ vật, hiện vật trong cung cấm của 13 đời vua triều Nguyễn. Từ những món đồ trang sức, thú vui của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến trang phục, vật dụng triều chính, nội thất, vật dụng cá nhân.

Đến bảo tàng, khách tham quan như xuôi theo dòng lịch sử, sống lại trong cung điện triều Nguyễn xa hoa, mỹ lệ với các vật dụng, trang phục được làm từ vàng, bạc, ngọc, ngà, gấm, lụa...

Là một trong những du khách đầu tiên tham tại đây, bà Cẩm Lệ người dân Quận 1 cho biết, rất thán phục hành trình sưu tầm hàng ngàn cổ vật của ông chủ bảo tàng.

Trang phục và trang sức của các dân tộc Tây Nguyên

Trang phục và trang sức của các dân tộc Tây Nguyên

“Với góc độ khách tham quan, tôi cho rằng ở đây trưng bày được khá nhiều những hiện vật có giá trị của triều Nguyễn và trang sức của 54 dân tộc. Những điều chúng ta được mắt thấy tai nghe đó là một trong những cách để cho người dân hiểu hơn về quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cũng như hiểu biết về văn hóa của dân tộc của mình nhiều hơn”, bà Cẩm Lệ nói.

Bộ sưu tập trang sức của các dân tộc Tây Nguyên trưng bày tại bảo tàng

Bộ sưu tập trang sức của các dân tộc Tây Nguyên trưng bày tại bảo tàng

Đáng chú ý, tại bảo tàng tư nhân này có nhiều hiện vật rất hiếm, quý mà ngay cả bảo tàng công lập cũng không thể có được, như những cổ vật của vua Kiến Phúc (1 trong 3 vị vua có thời gian trị vì rất ngắn). Những cổ vật trên vừa được ông Đỗ Hùng đấu giá từ Pháp về.

Ông Đỗ Hùng chủ sở hữu 2 bảo tàng trên cho biết toàn bộ hiện vật là do ông sưu tầm và đấu giá mua được từ nước ngoài về

Ông Đỗ Hùng chủ sở hữu 2 bảo tàng trên cho biết toàn bộ hiện vật là do ông sưu tầm và đấu giá mua được từ nước ngoài về

Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá đây là sự bổ sung, bổ khuyết rất quý cho hệ thống bảo tàng công lập.

“Bảo tàng trang sức 54 dân tộc trưng bày những bộ sưu tập rất tiêu biểu. Các hiện vật phản ánh tương đối đầy đủ các loại hình trang sức của cả 54 dân tộc Việt Nam. Còn đối với Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn, tại đây số lượng hiện vật cũng rất quý, có nhiều hiện vật thực sự là rất hiếm, không nhiều nơi có được hiện vật quý như vậy, đây chính là sự bổ sung quý báu cho hệ thống bảo tàng công lập”, ông Hải cho biết.

Ngoài phục vụ tham quan, tại đây còn cung cấp dịch vụ chụp ảnh cho du khách với trang phục hoàng cung ngồi ngai vàng, kiệu, xe kéo của vua, hoàng hậu với phiên bản phục dựng có tỷ lệ, màu sắc 10/10 so với bản gốc.

Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-tang-tu-nhan-trung-bay-hien-vat-quy-hiem-ve-54-dan-toc-va-trieu-nguyen-post1101812.vov