Bảo Thắng chuẩn bị gia cầm cho thị trường Tết Nguyên đán 2024
Cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt động vật trên địa bàn huyện Bảo Thắng tăng từ 20 - 30% so với ngày thường.
Để chủ động nguồn cung, các trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2024, từ đầu tháng 9, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã tập trung tăng đàn, tái đàn. Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập trung chăm sóc, bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Gia đình chị Ngô Thị Yến thôn Trì Thượng, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) là hộ chăn nuôi gà truyền thống ở địa phương. Trên mảnh vườn rộng hơn 6.000m2, gia đình chị Yến chủ yếu nuôi gà trống thả dưới tán cây ăn quả. Được biết mỗi lứa gia đình chị nuôi 3.000 con gà trống, một năm nuôi gối đàn 6 lứa với 18.000 con. Chị Yến cho biết, gia đình chị chủ yếu bắt gà giống từ 2 tháng tuổi về nuôi theo kiểu truyền thống, thả dưới những tán cây ăn quả, chỉ cho ăn ngô, thóc và rau xanh. Khoảng sau hơn 2 tháng khi đã nuôi thả tự nhiên, thịt gà chắc, ngon, gia đình chị bắt đầu xuất bán, mỗi con gà trống được xuất bán đều có trọng lượng khoảng 3,5 kg/1 con, bán cho thương lái với giá 100.000 đ/1 kg. Một năm gia đình chị xuất bán khoảng 65 tấn gà thịt, cho thu về 6,5 tỷ đồng, trừ chi phí cũng để ra được hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo chị Yến, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao nhất trong năm nên gia đình luôn tăng đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, đến thời điểm này nhiều thương lái đã đến đặt hàng của gia đình chị từ rất sớm.
Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ thịt gà trên thị trường trong dịp Tết thường tăng cao, giá bán cũng cao hơn, do vậy, từ 3 tháng trước, trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, ở thôn Tiến Lập xã Trì Quang đã chủ động tái đàn để bảo đảm sản lượng thịt gà cao nhất cung cấp ra thị trường. Hiện, đàn gà 5.000 của gia đình anh Thịnh đang phát triển ổn định. Do trời lạnh, gà hay bị dịch cúm, nên anh Thịnh đặc biệt quan tâm khâu phòng bệnh cho đàn gà. Luôn duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, chất độn chuồng phải đảm bảo luôn khô ráo; thức ăn đủ chất dinh dưỡng, cho ăn nhiều bữa trong ngày và uống đủ nước sạch, ấm, đảm bảo gà không bị đói; đồng thời, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc đàn gà nên mỗi năm, gia đình anh Thịnh xuất bán 3 tấn gà thịt, thu về khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng cho lợi nhuận 300-400 triệu đồng.
Hiện xã Trì Quang có 7 trang trại chăn nuôi gia cầm và gần 50 hộ chăn nuôi gà với quy mô lớn từ 2.000 - 6.000 con/1 lứa. Vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng thịt gà tăng cao nhất trong năm. Nhiều người chăn nuôi trên địa bàn xã Trì Quang rất phấn khích vì đến thời điểm này giá gà tăng cao, bà con chăn nuôi thu được lợi nhuận khá. Cũng có không ít hộ gia đình đã phất lên nhờ vào mô hình làm giàu từ nuôi gà bán Tết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn toàn huyện Bảo Thắng có 140 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn từ 3.000 - 10.000 nghìn con; trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 10 nghìn tấn thịt gia cầm hơi; trong đó, gần 30% sản lượng trên phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuy nhiên, để bảo đảm sản lượng gia cầm xuất chuồng, huyện chỉ đạo các hộ tính toán thời gian phù hợp để ra - vào đàn vật nuôi, chăm sóc cung ứng đúng dịp thị trường Tết. Hiện tại, trên địa bàn duy trì đàn gia súc trên 135 nghìn con, đàn gia cầm hơn 2 triệu con.
Với việc đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm và sự chủ động chăm sóc của người dân, có thể khẳng định nguồn cung thực phẩm phục vụ tết trên địa bàn huyện của các hộ dân đã sẵn sàng. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường và mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.