Thêm việc làm, tăng thu nhập

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua, cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam (Bắc Giang) triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm mới.

Đa dạng cách làm

Thực hiện chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Nam hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay ưu đãi cho 270 khách hàng với tổng số tiền 27 tỷ đồng.

 Từ 100 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, anh Giáp Hồng Dương (đội mũ), thôn Buộm, xã Thanh Lâm phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Từ 100 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, anh Giáp Hồng Dương (đội mũ), thôn Buộm, xã Thanh Lâm phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Qua đó nâng tổng dư nợ tín dụng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm toàn huyện lên hơn 110,6 tỷ đồng với 1.379 khách hàng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ gia đình có điều kiện chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế.

Trước đây, trên diện tích hơn 6 sào đất nông nghiệp của gia đình, anh Giáp Hồng Dương (SN 1982), thôn Buộm, xã Thanh Lâm (Lục Nam) chỉ cấy lúa, trồng khoai lang nên thu nhập thấp. Tháng 3/2023, qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, anh vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Có vốn, anh chuyển đổi toàn bộ sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện với 500 gốc thanh long, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Tương tự, hơn 3 năm trước, từ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, gia đình bà Vũ Thị Tuất (SN 1972), cùng ở thôn Buộm cải tạo hơn 1 mẫu vườn chuyển sang trồng ổi Đài Loan. Hiện vườn ổi của gia đình bà cho thu ổn định, lãi 10-15 triệu đồng/sào/năm. “Trồng ổi nhanh cho thu hoạch, giá bán lại ổn định nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây ăn quả khác. Đặc biệt, giống ổi Đài Loan dễ trồng, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao và có thể thu hoạch quanh năm nên người trồng có nguồn thu ổn định”, bà Tuất chia sẻ.

Xác định giải quyết việc làm là một trong những giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ thay đổi tư tưởng sợ đi lao động xa hay ngại đi học nghề.

Căn cứ vào nhu cầu tìm việc của người lao động, hằng năm, UBND các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm mới cho người lao động. Triển khai các giải pháp hiệu quả như: Khuyến khích phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung... từ đó giúp lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho gia đình.

 Một lớp đào tạo nghề do Phòng LĐTBXH huyện phối hợp tổ chức.

Một lớp đào tạo nghề do Phòng LĐTBXH huyện phối hợp tổ chức.

Với trách nhiệm của mình, các phòng chuyên môn như: Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); Dân tộc; Nông nghiệp và PTNT quan tâm mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân và triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức 19 lớp đào tạo nghề cho hơn 700 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Vũ Hoài Sơn, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Lục Nam cho biết: “Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề được tổ chức thường xuyên, có nhiều đổi mới đã tạo cơ hội để người lao động được gặp gỡ với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Từ đó người dân trong độ tuổi lao động được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm phù hợp hoặc lựa chọn đi học để nâng cao tay nghề”.

Hoàn thành sớm mục tiêu

Theo Phòng LĐTBXH huyện Lục Nam, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay, số lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn đạt gần 26,3 nghìn người, đạt 114,9% so với mục tiêu Đại hội; trong đó xuất khẩu lao động gần 2,6 nghìn người, đạt 116,09% kế hoạch. Có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

 Có người thân đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ở xã Bảo Đài thoát nghèo, xây nhà khang trang.

Có người thân đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ở xã Bảo Đài thoát nghèo, xây nhà khang trang.

Tại xã Bảo Đài, trong số 56 người được tạo việc làm mới trong năm nay có 20 người đi xuất khẩu lao động, còn lại làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Có việc làm, thu nhập ổn định, kết thúc năm 2024, xã Bảo Đài có 14 hộ thoát nghèo, trong đó có 8 hộ có người mới được tạo việc làm.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, xã Cẩm Lý có 123 người có việc làm mới, trong đó 40% làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại địa phương. Anh Vũ Trí Lĩnh (SN 1977), thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý cho biết: “Trước đây tôi lái xe thuê cho một doanh nghiệp tại TP Bắc Giang. Dù thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng song chi phí sinh hoạt, thuê trọ lớn nên số tiền dành dụm không nhiều. Đầu năm nay, tôi được giới thiệu về lái xe cho một doanh nghiệp gần nhà, vừa tiết kiệm những chi phí phát sinh, vừa có thời gian gần gũi, chăm sóc các con”.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các xã, thị trấn rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp.

Các xã, thị trấn khai thác triệt để tiềm năng nhằm phát triển thương mại, dịch vụ; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, hộ gia đình phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế địa phương, từ đó giải quyết việc làm ngay tại chỗ cho người lao động. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín đến địa bàn tuyển dụng lao động đi làm việc; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định, tác phong công nghiệp để có việc làm ổn định.

"Cùng với giúp người lao động tìm kiếm việc làm ổn định tại địa phương, huyện đang thực hiện giải pháp hiện đại hóa thông tin thị trường lao động nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến cho người lao động đi làm việc tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Để tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, Phòng LĐTBXH, UBND các xã, thị trấn quan tâm đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phấn đấu mỗi năm có từ 400-500 người đi xuất khẩu lao động", ông Vũ Hoài Sơn cho biết.

Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/them-viec-lam-tang-thu-nhap-201617.bbg