Bảo Thắng: 'Dân vận khéo' gắn với xây dựng nông thôn mới
Chúng tôi đến gia đình chị Trần Thị Khánh ở thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng). Ngôi nhà khang trang được bao quanh bởi khoảng 300 m tường rào cây xanh mát được cắt tỉa gọn gàng. Gia đình chị Khánh là hộ đầu tiên ở địa phương làm mô hình tường rào cây xanh vào năm 2015.
Trước đó, những cây duối con được chị Khánh thu thập ở nhiều nơi mang về trồng thành hàng rào nhưng thiếu thẩm mỹ vì không được can thiệp. Khi nắm được kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng, chị cắt tỉa thường xuyên 2 lần/tháng. Giờ đây, hàng rào cây xanh của gia đình cao khoảng 1,2 m, rộng 80 cm, trở thành hình mẫu để các hộ trong thôn học và làm theo.
Ông Tạ Văn Biên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Hải cho hay: Hàng rào cây xanh là kết quả của mô hình “Dân vận khéo” ở địa phương. Từ hộ đầu tiên, đến nay xã đã có 8 hộ thực hiện, giúp diện mạo nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp. Xã sẽ tiếp tục vận động người dân thực hiện, thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa cây xanh.
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Bảo Thắng được triển khai sâu rộng, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực. Qua thực hiện, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được phổ biến, nhân rộng, đặc biệt, nhiều mô hình phù hợp với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tình hình thực tế ở địa phương.
Bà Bùi Minh Huệ, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Thắng cho biết: Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó vận động người dân phát triển kinh tế, huy động nguồn lực thực hiện nhiều công trình, phần việc. Hiệu quả của các mô hình đã góp phần vào kết quả 11/11 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Bảo Thắng trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trên thực tế, việc triển khai các mô hình “dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện. Có thể kể đến việc vận động người dân hiến hơn 500.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động làm đường, xây dựng công trình công cộng… Thực hiện khẩu hiệu “Đường rộng, điện sáng, nhiều hoa/Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”, toàn huyện đã làm gần 250 km đường điện, hơn 206 km đường hoa, 165 km đường nông thôn cắm cờ kiểu mẫu với tổng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng. Tiêu biểu trong số đó là mô hình “Tường rào cây xanh” của xã Sơn Hải; mô hình “10 hộ liền kề” của xã Gia Phú; mô hình đường hoa ở xã Xuân Quang…
Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình “Dân vận khéo” xuất hiện. Tiêu biểu như mô hình trồng giống ngô GS 9969 tại xã Xuân Giao của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; mô hình chăn nuôi cá thịt và cá giống tại thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải; mô hình trồng bưởi ở thôn Múc, xã Thái Niên… Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục, xây dựng các thiết chế văn hóa. Nổi bật là mô hình cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong cộng đồng Dao đỏ; mô hình vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, mô hình bảo tồn và phát huy nghi lễ Then dân tộc Tày ở xã Phú Nhuận…
Từ năm 2009 đến nay, huyện Bảo Thắng xây dựng được 403 mô hình “Dân vận khéo”, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, phần lớn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình đã khơi dậy sự tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của Nhân dân trong kiến thiết, xây dựng quê hương Bảo Thắng ngày càng ấm no, giàu đẹp.