Bảo Thắng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyển đổi số
Cùng với đầu tư hạ tầng, nền tảng số, thời gian qua, huyện Bảo Thắng đã và đang chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức, nhất là cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.
Xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) có 21 cán bộ, công chức, viên chức. Do chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên các cán bộ của xã ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đều phải kiêm nhiệm công tác liên quan đến chuyển đổi số.
“Phú Nhuận là xã có dân số đông của huyện Bảo Thắng, sinh sống tại 25 thôn, tương ứng có 25 tổ công nghệ số cộng đồng. Vì vậy, thời gian đầu, khi kiêm nhiệm công tác chuyển đổi số, chúng tôi gặp không ít khó khăn do khối lượng công việc lớn, trong khi không có chuyên môn, kiến thức nền về công nghệ thông tin”, anh Phạm Văn Thiện, công chức văn phòng - thống kê xã (phụ trách chính công tác chuyển đổi số của xã) chia sẻ.
Để “giải bài toán” về nhân lực, đảm bảo các mục tiêu đề ra về chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xã, như tham mưu lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số do tỉnh, huyện tổ chức; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Bà Hoàng Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch của huyện, của tỉnh thì đội ngũ cán bộ xã cũng thường xuyên tự nghiên cứu, tìm tòi để nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của xã đã nắm vững kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, đồng thời, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung. Nhờ vậy, công tác chuyển đổi số của xã được thực hiện hiệu quả, xuyên suốt, đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Ngoài ra, với sự quản lý, dẫn dắt của đội ngũ cán bộ xã, tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn hoạt động hiệu quả, giúp người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số.
Không chỉ xã Phú Nhuận, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Bảo Thắng cũng tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, trong đó, tập trung phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực hiện có.
Bà Bùi Thị Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện) cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; tăng cường hoạt động và trau dồi kiến thức cho đội ngũ cán bộ thông qua các buổi tuyên truyền, hội thảo, hội thi; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và tổ chức các lớp tập huấn cho từng đối tượng cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin… Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện cũng chú trọng đổi mới phương pháp, nội dung bồi dưỡng, đào tạo; mời chuyên gia, cán bộ giỏi về hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Với những giải pháp sáng tạo, chủ động, huyện Bảo Thắng đã đạt được kết quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2024, huyện triển khai tập huấn trên nền tảng MOOCs cho 273 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tham gia; tổ chức thành công các lớp tập huấn công tác chuyển đổi số cho hơn 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và thành viên nòng cốt của tổ công nghệ số cộng đồng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản đạt trên 90%; tỷ lệ công chức các cấp được tập huấn, đào tạo, đào tạo lại, chuẩn hóa kỹ năng về ứng dụng công nghệ đạt trên 50%...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Bảo Thắng được nâng lên rõ rệt.
Bà Bùi Thị Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng
“Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Bảo Thắng”, bà Bùi Thị Hạnh nhấn mạnh.