Bảo Thắng phát triển bền vững ngành chè

Bảo Thắng là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lào Cai. Địa phương xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu.

Là một trong những hộ có diện tích chè lớn ở thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận, đồng thời cũng là người tiên phong trồng giống chè năng suất chất lượng cao ở xã vào năm 2003, hiện gia đình ông Nguyễn Hữu Lý đang sở hữu đồi chè với tổng diện tích 3 ha. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý hào hứng chia sẻ: Năm nay, gia đình thu hơn 60 tấn chè búp tươi, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Hằng năm, gia đình tạo việc làm cho 10 - 15 lao động thời vụ.

 Lãnh đạo xã Phú Nhuận và các đoàn thể huyện tham quan đồi chè của gia đình ông Nguyễn Hữu Lý và gia đình anh Nguyễn Văn Long.

Lãnh đạo xã Phú Nhuận và các đoàn thể huyện tham quan đồi chè của gia đình ông Nguyễn Hữu Lý và gia đình anh Nguyễn Văn Long.

Khoảng 4 năm về trước, gia đình anh Nguyễn Văn Long, thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận nhận thầu thêm vườn chè của một số hộ trong thôn. Với đồi chè rộng 3 ha, anh Long áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên một năm cho thu hái 6 lứa, mỗi lứa được khoảng 14 tấn chè búp tươi. Với đầu ra ổn định, giá bán từ 6.000 - 6.500 đồng/kg chè búp tươi, sau khi trừ chi phí có lãi gần 300 triệu đồng. Từ nương chè này, anh Long còn tạo việc làm cho 4 - 6 lao động thời vụ.

Hiện, toàn xã Phú Nhuận có tổng diện tích chè gần 180 ha, chủ yếu là chè kinh doanh, gồm các giống lai 1, lai 2 và Bát Tiên.

Nhờ được chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất an toàn, do vậy từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm rất thuận lợi, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Năm 2024, sản lượng chè búp tươi của Phú Nhuận cung cấp cho các nhà máy chế biến đạt gần 1.600 tấn (tăng 200 tấn so với năm 2023), doanh thu trên 10 tỷ đồng. Để giúp nông dân làm giàu từ cây chè, xã Phú Nhuận đang tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn phát triển vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 Người dân Bảo Thắng thu hái chè.

Người dân Bảo Thắng thu hái chè.

Toàn huyện Bảo Thắng có 509 ha trồng chè. Do người dân đã có kinh nghiệm chăm sóc nên năm 2024, năng suất chè đạt trên 88 tạ/ha, sản lượng ước gần 4.500 tấn (tăng trên 29 tấn so với cùng kỳ). Sản phẩm trà của huyện có thị trường tiêu thụ trong tỉnh và các nước Trung Đông.

Giá bán chè búp tươi chất lượng cao áp dụng cho khu vực Ải Nam, thị trấn Nông trường Phong Hải (loại 1) là 20.000 đồng/kg; loại 2 là 18.000 đồng/kg; các khu vực khác từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Xác định đây là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, ngoài tích cực mở rộng diện tích, người dân Bảo Thắng còn đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

Để phát triển bền vững ngành chè, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân chăm sóc theo hướng sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng

 Dây chuyền sơ chế chè tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Chè Phong Hải.

Dây chuyền sơ chế chè tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Chè Phong Hải.

Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP nên các đồi chè ở huyện Bảo Thắng đã cho năng suất ngày càng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Nga - Khánh Linh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-thang-phat-trien-ben-vung-nganh-che-post396227.html