Bảo Thắng phát triển công nghiệp địa phương theo hướng bền vững
Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngày 10/8/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về 'phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương theo hướng bền vững, giai đoạn 2020 - 2025'.
Đến nay, kết quả bước đầu của công nghiệp địa phương tại Bảo Thắng là đáng phấn khởi, xứng danh huyện dẫn đầu của tỉnh về mũi nhọn sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhất là ngành nghề chế biến nông - lâm sản.
Hợp tác xã nông sản - dược liệu Mạnh Hương (HTX Mạnh Hương), xã Gia Phú thành lập năm 2019 với 7 thành viên. Ngành nghề hợp tác xã lựa chọn là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nghệ, sắn dây, củ hoàng sin cô; chế biến dược liệu từ hà thủ ô, cà gai leo; sản xuất trà từ bí đao, mướp đắng, hoa đu đủ... Để tạo nguồn nguyên liệu dồi dào và bền vững, hợp tác xã đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn xã trồng gần 1 ha nguyên liệu gối vụ, tạo nguồn thu quanh năm cho nông dân.
Nhờ sản xuất trên dây chuyền hiện đại, công nghệ mới nên HTX Mạnh Hương đến nay có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều thị trường khó tính, trong đó có việc giao dịch trên trang điện tử PostMart của hệ thống Bưu điện Việt Nam, sàn điện tử Voso của Viettel.
Hiện HTX Mạnh Hương đang tạo việc làm ổn định cho 7 lao động và 30 lao động thời vụ là người địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu của hợp tác xã đạt 3,5 - 4 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Trần Diệp Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Phú cho biết, thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy Bảo Thắng về phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, xã Gia Phú đã đánh giá thực tế, từ đó đề ra các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Không chỉ có HTX Mạnh Hương, đến nay xã Gia Phú đang có 6 hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm sản, 2 doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Huyện Bảo Thắng hiện có 30 sản phẩm OCOP, riêng xã Gia Phú có 10 sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đạt 116 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay, riêng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong 9 tháng của năm 2023 trên địa bàn đạt 22 tỷ đồng.
Còn tại thị trấn Tằng Loỏng, ông Trần Ngọc Oanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là gia công cơ khí, gò, hàn, làm khung nhôm, cửa kính, chế biến lâm sản.
Tính riêng từ đầu năm đến hết tháng 9, doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một phần nhỏ từ xây dựng tại thị trấn đạt 63 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 24%; thu nhập bình quân của người làm tiểu thủ công nghiệp đạt 80,5 triệu đồng/người trong 9 tháng.
Tại thị trấn Nông trường Phong Hải, đến hết năm 2022, toàn thị trấn có 310 hộ kinh doanh dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tăng 148 hộ so với đầu nhiệm kỳ Đảng bộ, vượt mục tiêu (260 cơ sở) đến năm 2025.
Riêng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thị trấn Nông trường Phong Hải trong năm 2022 đạt 90,4 tỷ đồng. Theo ông Vũ Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Phong Hải thì điều đáng mừng là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đang tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho 900 lao động. Đến nay, thị trấn đã có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Ông Hoàng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương đã có bước phát triển khá. Tổng số hộ kinh doanh dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã tính đến hết năm 2022 là 395 hộ (cơ sở).
Riêng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 70,5 tỷ đồng trong năm 2022, nhóm lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh đang tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Phú Nhuận hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Lê Duy Hiếu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Thắng cho biết, sau khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 05, UBND huyện có Kế hoạch về phát triển tiểu thủ công nghiệp và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đánh giá tình hình để có kế hoạch triển khai phù hợp. Riêng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện được chỉ đạo thực hiện các bước đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp thị trấn Phố Lu và Cụm công nghiệp xã Sơn Hà.
Báo cáo của UBND huyện Bảo Thắng cho thấy đến hết năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của huyện Bảo Thắng đạt 1.532 tỷ đồng. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang tạo và duy trì việc làm cho hàng nghìn lao động với mức lương khoảng 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Dự ước trong năm 2023 sản xuất công nghiệp địa phương tại Bảo Thắng đạt 1.731 tỷ đồng, tiếp tục duy trì việc làm cho 5.000 - 6.000 lao động. Điều đó tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của Đảng bộ huyện khi lựa chọn lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, tạo đà cho Bảo Thắng sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.