Bảo Thắng tăng cường công tác quản lý tài nguyên
Tăng cường công tác quản lý đã góp phần giúp hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn huyện Bảo Thắng hoạt động đảm bảo theo quy định, đáp ứng yêu cầu khai thác hiệu quả, bền vững, an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 41 điểm mỏ (33 điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 8 điểm mỏ khai thác khoáng sản khác). Trong số các điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, có 13 điểm đang hoạt động (6 điểm khai thác đá, 6 điểm khai thác cát, sỏi và 1 điểm khai thác đất sét). Các mỏ còn lại dừng hoặc không hoạt động do đóng cửa, đang hoàn thiện hồ sơ liên quan, như thăm dò, khai thác, thuê đất...
Các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong việc cung ứng vật liệu cho các công trình xây dựng trong và ngoài huyện. Đồng thời, mang lại lợi ích không nhỏ cho địa phương khi cung cấp nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ, giảm chi phí đầu tư, thời gian vận chuyển trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng thông tin: Cơ bản các dự án khai thác khoáng sản đều phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật liên quan trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, thu hút doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư. Hiệu quả của các dự án không chỉ tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thu nhập của doanh nghiệp mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 300 lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên còn gặp một số khó khăn. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ sản xuất và triển khai các dự án gặp nhiều vướng mắc do doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ chưa thống nhất được với người dân. Công tác quản lý khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng, hoạt động, một số dự án khai thác khoáng sản còn phát sinh bụi, tiếng ồn, gây sạt lở, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông… làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân.
Nguyên nhân của thực trạng trên do việc thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực thực hiện dự án chưa thống nhất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, đội ngũ công nhân và người lao động của các cơ sở khai thác chưa có kinh nghiệm và chuyên môn trong công tác bảo vệ môi trường đối với các điểm mỏ.
Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, năm 2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý trong lĩnh vực khoáng sản, như: Văn bản số 493/UBND-TNMT ngày 29/2/2024 về việc hoàn thiện, bổ sung các điểm mỏ vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Văn bản số 1073/UBND-TNMT ngày 23/4/2024 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5/2024; Văn bản số 3144/UBND-TNMT ngày 28/10/2024 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn...
Đồng thời, thực hiện Văn bản số 972/STNMT-KSN ngày 5/4/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất đối với các dự án khai thác khoáng sản của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng đã phối hợp với các đoàn công tác của tỉnh tổ chức kiểm tra 2 đợt đối với các điểm mỏ khai thác khoáng sản. Ngoài ra, đã tham mưu UBND huyện tổ chức 1 đợt kiểm tra đối với 9 điểm mỏ khai thác khoáng sản hiện đang hoạt động. Kết quả kiểm tra cho thấy, các đơn vị khai thác khoáng sản cơ bản đã có hồ sơ liên quan đến việc khai thác khoáng sản, môi trường, thuê đất... theo quy định. Các đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số tồn tại, trên cơ sở đó, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục. Đến nay, cơ bản các đơn vị khai thác khoáng sản đã khắc phục các tồn tại có liên quan theo quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của huyện và các lớp tập huấn do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hằng năm, 100% lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn huyện đều được tập huấn, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.
Để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, trong thời gian tới, ngành chức năng của huyện Bảo Thắng tiếp tục bám sát nội dung và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 10/5/2022 và Văn bản số 2426/UBND-KT ngày 3/6/2022 của UBND tỉnh Lào Cai. Đồng thời, địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các hoạt động mỏ khai thác không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-thang-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tai-nguyen-post394976.html