Hải Phòng: 6 sở mới sau hợp nhất sẽ đặt tên thế nào?
Hải Phòng hợp nhất 12 sở thành 6 sở, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động, dự kiến sẽ hoàn thành trước 1/1/2025.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa ký ban hành Kế hoạch phân công triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức thuộc hệ thống chính trị thành phố. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện đề án hoặc phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy thuộc hệ thống chính trị trước 1/1/2025.
Cụ thể, Hải Phòng sẽ hợp nhất 12 sở thành 6 sở. Trong đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư hợp nhất Sở Tài chính thành Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển. Sau khi hợp nhất, sẽ giảm 6 phòng và 1 đơn vị sự nghiệp.
Hợp nhất Sở Giao thông - Vận tải và Sở Xây dựng để thành lập Sở Phát triển hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn. Sau khi hợp nhất, sẽ giảm 6 phòng, 3 đơn vị sự nghiệp và 1 Ban An toàn giao thông.
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hợp nhất với Sở Tài nguyên - Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Sau khi hợp nhất, sẽ giảm 4 phòng, 3 chi cục, 1 văn phòng điều phối và 3 đơn vị sự nghiệp.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Sau khi hợp nhất, sẽ giảm 4 phòng và 2 đơn vị sự nghiệp.
Sở Lao động, Thương binh - Xã hội hợp nhất với Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động, giảm 3 phòng, 4 chi cục và tương đương, 8 đơn vị sự nghiệp.
Sở Văn hóa - Thể thao hợp nhất với Sở Du lịch thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là tên gọi cũ trước khi tách 2 sở vào năm 2016. Sau khi hợp nhất, sẽ giảm 5 phòng và 7 đơn vị sự nghiệp so với hiện nay.
Hợp nhất, sáp nhập 4 Ban quản lý dự án trực thuộc UBND Thành phố thành 2 Ban Quản lý dự án: Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp (đơn vị tự chủ chi thường xuyên) với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng.
Chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về trực thuộc UBND thành phố theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện để thống nhất với việc hợp nhất các sở, ngành thành phố.
Tổ chức lại các cơ quan chuyên môn tại các địa phương chuyển đổi mô hình từ nông thôn (huyện) sang đô thị (quận, thành phố thuộc thành phố) để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và thống nhất với mô hình của quận. Thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực; giảm tối thiểu 15% - 20% tổng số phòng trực thuộc.
Một số địa phương sẽ sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với Phòng Tài nguyên - Môi trường, kết thúc hoạt động của Ban Quản lý chợ tại 7 quận, huyện…
Đối với 7 quận, hợp nhất Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ và Lao động; hợp nhất Phòng Y tế với Phòng Văn hóa và Thông tin thành Phòng Văn xã.
Đối với các huyện: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy sẽ sáp nhập Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ và Lao động, Phòng Y tế với Phòng Văn hóa và Thông tin thành Phòng Văn xã; hợp nhất Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Nông nghiệp và Phát triển thành Phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Đối với quận An Dương và thành phố Thủy Nguyên (sau khi được thành lập): hợp nhất Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ và Lao động; hợp nhất Phòng Y tế với Phòng Văn hóa và Thông tin thành Phòng Văn xã; tổ chức lại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Phòng Kinh tế; tổ chức lại Phòng Kinh tế và Hạ tầng thành Phòng Quản lý đô thị.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố, trực thuộc sở, ngành và UBND quận, huyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố.
Riêng đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc UBND quận, huyện, thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường mầm non trên cùng một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp các trường tiểu học, THCS có quy mô dưới 15 lớp; rà soát các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã để đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập các trường cùng cấp học hoặc thành lập trường liên cấp TH-THCS (tùy theo điều kiện thực tế của địa phương).
Giải thể Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Cũng theo chỉ đạo tại kế hoạch nêu trên của UBND TP Hải Phòng, đối với sở, ngành thuộc diện sắp xếp hợp nhất thực hiện rà soát, tinh gọn các phòng hỗ trợ, dùng chung sau khi hợp nhất, tổ chức 1 Văn phòng, 1 Thanh tra Sở; 1 phòng thực hiện chức năng Tài chính - Kế hoạch - Đầu tư và 1 phòng tổ chức cán bộ.
Đối với các phòng chuyên môn, giảm tối thiểu 15% - 20% đầu mối tổ chức bên trong; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, lĩnh vực.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hai-phong-6-so-moi-sau-hop-nhat-se-dat-ten-the-nao-ar914923.html