Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm về ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam
Vào 8h30 sáng thứ Năm (24/7), Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm 'Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới', với sự tham gia của 7 khách mời là những chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong ngành công nghệ vũ trụ.
Tọa đàm sẽ có sự tham gia thảo luận của TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Nguyễn Trọng Hiền, chuyên gia đến từ Cơ quan Hàng không và và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), TS Nguyễn Lương Quang, chuyên gia đến từ Viện năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế – CEA Paris‑Saclay của Pháp.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đại diện đến từ cơ quan nghiên cứu là PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đơn vị này đã bước đầu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh siêu nhỏ như PicoDragon, NanoDragon, MicroDragon và đang phối hợp cùng Nhật Bản để triển khai vệ tinh LOTUSat-1 sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp.
Đại diện doanh nghiệp là bà Lê Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sao Vega, đơn vị tiên phong phát triển các nền tảng địa không gian thông minh phục vụ giám sát tài nguyên, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó thiên tai.
Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, đề xuất các cơ chế chính sách, mô hình hợp tác hiệu quả, thông qua đó mong muốn góp phần thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia có sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Công nghệ vũ trụ là biểu tượng công nghệ cao của mỗi quốc gia. Trong thế kỷ XXI, công nghệ vũ trụ không còn là lĩnh vực giới hạn trong các chương trình khám phá không gian của một số ít quốc gia mà ở thành một trụ cột chiến lược của nhiều nền kinh tế hiện đại, với các ứng dụng thiết thực trong đời sống như dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, viễn thông, nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, logistics, cũng như trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Theo báo cáo mới nhất của Space Foundation, kinh tế vũ trụ toàn cầu năm 2024 đã đạt gần 613 tỷ USD và được dự báo sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030 – cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn.
Nghị quyết 57 về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia của Bộ Chính trị khẳng định công nghệ vũ trụ là một trong những ngành công nghệ chiến lược. Việt Nam cần sớm ban hành các chiến lược nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác, phát triển không gian biển, không gian ngầm và không gian vũ trụ.
Tọa đàm sẽ được tường thuật trực tuyến trên báo Tiền Phong điện tử theo địa chỉ tienphong.vn. Trân trọng kính mời độc giả đón đọc.