Doanh nghiệp 'xanh' vẫn loay hoay với giá thành

Thách thức lớn với các doanh nghiệp hiện nay là phải vừa tăng trưởng vừa đảm bảo 'xanh', trong khi thị trường thiếu các quy chuẩn rõ ràng, chi phí sản xuất còn lớn.

Chia sẻ tại Họp báo giới thiệu Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức chiều 23/7, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội, nhấn mạnh chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động "sống còn".

Tuy nhiên, trên thực tế, hành trình ấy không hề dễ dàng. Như tại Faslink - một doanh nghiệp đã theo đuổi thời trang bền vững 17 năm qua, Phó tổng giám đốc Nguyễn Bích Diền nói vẫn gặp nhiều thách thức khi phải vừa tăng trưởng vừa đảm bảo "xanh".

 Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhấn mạnh chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động "sống còn". Ảnh: Lan Anh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhấn mạnh chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động "sống còn". Ảnh: Lan Anh.

Giá chênh hơn 30%

Theo bà Diền, dệt may, da giày là một trong những lĩnh vực phát thải cao, do đó Faslink không khuyến khích khách hàng mua nhiều, mà thay vào đó, nên tìm đến những sản phẩm chất lượng, có độ bền, làm từ các loại phế phẩm để hạn chế gây gánh nặng lên môi trường.

Dù vậy, bà thừa nhận trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển như hiện nay, giá thành các sản phẩm "xanh", ví dụ quần áo từ sợi lá dứa như Faslink đang sản xuất, sẽ cao hơn, trong khi người tiêu dùng vẫn quan tâm về giá.

Ông Võ Văn Luật, Quản lý chi nhánh Fuwa Biotech miền Nam - một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm làm sạch bằng enzyme sinh học từ vỏ dứa - cũng cho biết khả năng tiếp cận thị trường còn thấp do giá cả và nhận thức người tiêu dùng.

Vì vậy, ông kỳ vọng có thêm nhiều diễn đàn, buổi chia sẻ để cộng đồng biết đến các sản phẩm "xanh" nhiều hơn, giúp các doanh nghiệp "xanh" phát triển bền vững.

Còn tại Duy Tân Recycling, một đơn vị chuyên thu gom và tái chế rác thải nhựa, Trưởng phòng Phát triển bền vững Lê Viết Đông Hiếu cho hay giá thành nhựa tái chế đang cao hơn nhựa thông thường khoảng 30%, do chi phí thu gom và xử lý lớn.

Để giảm chi phí cuối cùng, ông cho rằng cần có sự phân loại rác tại nguồn hiệu quả hơn nhằm nâng chất lượng rác thải. Tuy nhiên, bài toán này không dễ xử lý.

 Chi phí thu gom và xử lý lớn khiến giá thành nhựa tái chế đang cao hơn nhựa thông thường khoảng 30%. Ảnh: Duy Tân Recycling.

Chi phí thu gom và xử lý lớn khiến giá thành nhựa tái chế đang cao hơn nhựa thông thường khoảng 30%. Ảnh: Duy Tân Recycling.

Hiện, mức hao hụt trong thu gom rác thải của Duy Tân Recycling khoảng 30%. Nhà máy của công ty chỉ mới hoạt động gần một nửa công suất, khoảng 49.300 tấn thành phẩm/năm, so với công suất thiết kế 100.000 tấn.

Mong chờ quy chuẩn và hợp tác

Chia sẻ thêm, ông Hiếu bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho nhựa tái chế đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi rõ ràng, khi phải thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), các doanh nghiệp sẽ cần đến giải pháp tái chế này.

"Các tiêu chuẩn quốc tế như FDA của Mỹ hay EFSA của châu Âu đã có quy định rõ ràng cho việc tái chế nhựa để đảm bảo an toàn thực phẩm, do đó chúng tôi làm việc được với các tập đoàn FMCG đa quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa còn nhiều nghi ngại, cần tiêu chuẩn quốc gia để họ tự tin chuyển đổi", ông Hiếu nói.

Phó tổng giám đốc Faslink cũng nhìn nhận để xuất hiện ở các thị trường "khó tính", việc đo lường phát thải rất quan trọng, tuy nhiên doanh nghiệp đã theo đuổi trong 2-3 năm qua nhưng vẫn chưa có lộ trình cụ thể để thực hiện.

Bà Diền kỳ vọng có các giải pháp hỗ trợ về mặt công nghệ, giúp doanh nghiệp tính toán chỉ số phát thải, đồng thời hiển thị một cách minh bạch và hiệu quả trên từng sản phẩm, như "hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số" (Digital Product Passport - DPP) ở châu Âu.

Chúng ta giỏi nghiên cứu khoa học, nhưng làm sao đưa được ra thị trường, ứng dụng nhiều hơn

Bà Nguyễn Bích Diền, Phó tổng giám đốc Faslink

Mặt khác, là một doanh nghiệp luôn phải tìm kiếm các giải pháp mới, bà Diền cho hay nhiều ý tưởng như sản xuất vải từ vỏ chuối, ủ nấm... dù rất thiết thực nhưng vẫn nằm trong phòng thí nghiệm, chưa thể sản xuất công nghiệp do thiếu công nghệ và sự hợp tác chặt chẽ trong chuỗi cung ứng "xanh".

"Chúng ta giỏi nghiên cứu khoa học, nhưng làm sao đưa được ra thị trường, ứng dụng nhiều hơn", bà Diền đặt vấn đề.

Đây cũng là lý do Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 ngày 31/7 tới đây kỳ vọng giới thiệu hàng trăm giải pháp tái chế, công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường đến từ các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp, sinh viên và nghệ nhân thủ công, cho thấy tính thực tế từ các sáng kiến "xanh".

Đơn cử như robot nhặt rác, phao chắn rác thông minh, máy in 3D từ nhựa tái chế, da từ vỏ xoài, viên nén trồng cây từ xơ dừa, sản phẩm làm sạch không khí từ vi sinh...

Bà Vũ Kim Hạnh hy vọng đây sẽ là không gian kết nối, đối thoại và lan tỏa giải pháp, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp và đời sống, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên, góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-xanh-van-loay-hoay-voi-gia-thanh-post1571113.html