BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S!: Gian nan phục hồi hệ sinh thái
Việc phục hồi hệ sinh thái, rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang sẽ rất khó khăn, tốn nhiều công sức nhưng vấn đề quan trọng nhất là sẽ bảo vệ như thế nào
Tiến sĩ (TS) Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết các nhà khoa học của viện đã thực hiện nhiều khảo sát tại các rạn san hô ở vịnh Nha Trang và nhận thấy tình trạng suy thoái nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây. Việc phục hồi rạn san hô là điều phải làm nhưng quan trọng nhất là phục hồi xong phải có người quản lý.
Tỉ lệ sống không cao
Từng tham gia khảo sát tình trạng suy giảm rạn san hô tại Hòn Mun, vùng lõi Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, PGS-TS Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Nguồn lợi thủy sinh (Viện Hải dương học), cho biết tình trạng san hô gãy đổ hàng loạt và đưa lên bờ là do tác động của những cơn bão từ năm 2017 trở lại đây. Để phục hồi rạn san hô, hệ sinh thái khu bảo tồn biển, theo TS Long, trước mắt có 2 cách. Thứ nhất: Bảo vệ khu vực và hạn chế hoạt động du lịch để tạo điều kiện phục hồi tự nhiên. Thứ hai: Di giống san hô từ những khu vực lân cận đem trồng. "Việc trồng phục hồi rất tốn kém và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn giống sẵn có nên khó có thể tiến hành trên diện rộng. Trước khi phục hồi một khu vực, cần có những đánh giá về tính khả thi" - TS Long nói thêm.
TS Hoàng Xuân Bền, Viện phó Viện Hải dương học, trong các công bố của mình cho biết Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang từ những năm 2004, 2013, 2015, 2016 và 2018. Qua đó xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi ở vịnh Nha Trang với tỉ lệ sống trên 60% và tốc độ tăng trưởng trung bình từ 0,4-6,5 mm/tháng. Kết quả này đã mang lại những hiệu quả nhất định góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn.
Tuy nhiên, so sánh với các khu vực phục hồi khác ở vùng biển Việt Nam như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo thì tỉ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không cao. Một số nguyên nhân được xác định như: sự tồn tại địch hại của san hô, sự cạnh tranh không gian giữa các loài, chất lượng môi trường thay đổi do hoạt động gián tiếp từ con người và các yếu tố khác như chế độ động lực, san hô bị tổn thương tại các vết cắt.
Doanh nghiệp, người dân chung tay với nhà nước
Ông Đàm Hải Vân, Phó Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết để bảo vệ hệ sinh thái Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cần sự chung tay của cộng đồng, ý thức của người dân. Ban đã thành lập đội công tác tổ chức nhiều đợt tuyên truyền bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Nha Trang cho người dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng trong tỉnh; phối hợp với 16 trường học tổ chức chương trình giáo dục môi trường biển cho các em học sinh để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan, tài nguyên trong vịnh Nha Trang.
Theo ông Vân, ban quản lý đã vận động nhiều cá nhân, tổ chức trồng trên 5 ha rừng ngập mặn tại Đầm Bấy và bắt hàng ngàn con sao biển gai nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Đơn vị cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra Thủy sản và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra và lập biên bản nhiều vụ khai thác thủy sản trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thu giữ các tang vật vi phạm và trình UBND TP Nha Trang ra quyết định xử phạt.
Qua khảo sát, đánh giá của Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Viện Hải dương học, một số khu vực trong vịnh Nha Trang đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái, điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và có cơ sở khoa học trong công tác, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đề nghị UBND TP Nha Trang cho phép thực hiện đề án "Khảo sát phân vùng chức năng Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang" với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng.
TS Võ Sĩ Tuấn cho biết trước đây Viện Hải dương học đã có đề nghị với UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng mô hình "Doanh nghiệp tham gia phục hồi rạn san hô giữ và khai thác du lịch" nhưng đến giờ này vẫn chưa triển khai được. "Ban Quản lý vịnh Nha Trang phải có trách nhiệm bảo vệ vùng lõi Hòn Mun, cái này thì không giao doanh nghiệp được. Nhưng còn các vùng còn lại của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang như đảo Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre… thì doanh nghiệp tự phục hồi, quản lý và khai thác du lịch. Những doanh nghiệp làm du lịch trên biển có quyền lợi thiết thực tham gia vào bảo vệ, phục hồi thì mới giữ được hệ sinh thái. Phải làm theo kiểu này vì nhà nước không đủ lực để giữ hết được. Viện đã có đề tài và báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về thí điểm một số chỗ, đề nghị về cơ chế quản lý… Vấn đề là phải có người làm, ai đứng ra điều phối" - TS Tuấn nêu ý kiến.
Giao 28 ha mặt nước thí điểm phục hồi san hô
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định giao 28,01 ha mặt nước biển cho Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên (thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) với thời hạn 5 năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.
Đại diện Công ty CP Vạn San Đảo cho biết dự án này có các hạng mục chính là sử dụng 1,9 ha đáy biển trước đây không có san hô, độ sâu 4 - 4,5 m làm rạn nhân tạo bằng vật liệu rỗng, không độc hại để di dời tập đoàn san hô được ươm trồng đến phục hồi. Vườn ươm san hô có diện tích khoảng 5.000 m2. "Đơn vị đang phối hợp với cán bộ Viện Hải dương học trồng thử nghiệm thành công hơn 600 giá thể san hô sừng hươu. San hô này được lấy từ nguồn gãy đổ sau mưa bão để ươm. San hô đang phát triển tốt, dài hơn 10 cm so với thời điểm ban đầu. Chúng tôi đã di dời thử nghiệm ra môi trường bên ngoài. Kết quả, san hô tiếp tục phát triển. Chúng tôi rất hy vọng trong tương lai sẽ tạo được một rạn san hô nhân tạo, góp phần bảo tồn hệ sinh thái vịnh Nha Trang" - vị đại diện cho biết.