Bảo tồn cây xanh đô thị

Bão số 3 (Yagi) đã đi qua nhưng những gì nó để lại thật đau đớn. Quảng Ninh, Hải Phòng là hai địa phương bão Yagi đổ bộ trực tiếp, nhưng với nhiều tỉnh, thành khác sức tàn phá của nó cũng thật khủng khiếp. Với Thủ đô Hà Nội, thành phố của cây xanh, nhìn những hàng cây đổ rạp, bật gốc, bị xé toạc lòng không khỏi xót xa.

Vậy, làm gì với những hàng cây vốn là niềm tự hào của Hà Nội, là ký ức của biết bao người khi mà tiếng cưa máy, tiếng dao chặt gỗ vang lên khô khốc để “giải tỏa” những cây xanh bị bão quật đổ?

Theo những con số báo cáo, có tới hơn 24 nghìn cây xanh ở Hà Nội bị đổ, chưa kể số cây bị gãy cành như một vết thương.

Con số thật quá lớn, có lẽ là lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Thật đau lòng!

Ngay vào buổi sáng sau khi tối hôm trước cơn bão hung hãn quét qua, nhiều người Hà Nội đã ra đường. Họ đi qua những đường phố một cách vô định để cùng đau với những hàng cây thân thương bị đổ gục. Phố Hàm Long, suốt từ đoạn phố Bà Triệu cho đến gần Hàn Thuyên, cây đổ nằm ngổn ngang. Đường bị cấm từng đoạn để lực lượng chức năng cưa bỏ, dọn dẹp chúng. Nhưng, cách đó không xa, phố Lò Đúc, những hàng sao đen lừng lững và thẳng vút cao vài chục mét vẫn thẳng tắp, bình thản vươn mình…

Từ đó, nhiều ý kiến phê bình chính quyền. Nhiều ý kiến chê trách việc không bảo vệ được cây để cho chúng bị gục ngã vì bão. Và cũng rất nhiều ý kiến đặt vấn đề xử lý thế nào với cây đổ ngã và trồng lại ra sao.

Thực ra, với một trận cuồng phong như Yagi, thì cây đổ ngã có thể hiểu được. Gió mạnh như thế, lại giật liên tục quẩn quanh trong lòng phố nhiều giờ thì sức chống chọi của những hàng cây sẽ bị suy giảm, cho dù có được chống đỡ bằng những cọc sắt. Tất nhiên, sự thảm bại của những hàng cây trong bão cần phải được xem xét một cách cẩn trọng để tránh lặp lại, giảm thiểu ở mức thấp nhất “tai họa phố phường”.

Tại văn bản khắc phục hậu quả bão Yagi chiều ngày 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để giải tỏa cây đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt các lực lượng phải giải tỏa ngay cây gãy đổ trên các tuyến đường phố chính của Thủ đô, xong trước ngày 12/9; sau đó sẽ tiếp tục thu dọn cây đổ, cành cây gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh thu hồi củi gỗ theo quy định.

Tuy nhiên, đáng chú ý khi văn bản nêu: Đối với cây xanh cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra đánh giá và chống dựng, trồng lại ngay, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc, trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn. Công việc này hoàn thành trước ngày 15/9.

Ông Thanh cũng yêu cầu trồng lại các cây có đường kính nhỏ dưới 25 cm bị gãy đổ. Trước khi trồng lại, phải cắt cành, tán đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Việc trồng lại các cây xanh đó phải xong trước ngày 20/9. Với những cây do các quận, huyện thị xã quản lý, việc trồng lại tại chỗ cây đổ hoàn thành trước ngày 30/9.

Chủ trương dựng lại cây xanh gãy đổ cũng được Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nêu tại một cuộc họp sáng ngày 8/9. Bà Hoài yêu cầu, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc. Bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ vì trồng được một cây không dễ, mất rất nhiều thời gian.

Quan điểm của lãnh đạo Hà Nội nhận được sự tán thành, hoan nghênh của người dân cũng như giới chuyên gia cây xanh, chuyên gia đô thị. Thế là những cây xanh bị tổn thương do cơn bão chết người có cơ may được cứu sống.

Cũng từ trận “bão cây” vừa qua, Hà Nội chắc chắn sẽ có thêm kinh nghiệm về cây xanh đô thị.

Cây xanh đô thị phải chịu nhiều áp lực hơn so với cây cối trong tự nhiên. Không chỉ chịu tác động thường xuyên từ nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí mà còn chịu tác động khi các hoạt động xây dựng và giao thông có thể gây hư hại đến rễ, thân, và cành cây. Không gian sinh trưởng của cây xanh đô thị cũng rất hạn chế. Do đó, việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị cần được chú trọng đặc biệt với những biện pháp bảo trì và thay thế kịp thời.

Để giữ cho cây xanh đô thị có cuộc sống bền bỉ, tăng sức chống chịu, giới chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng trước hết cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu suy yếu như rễ nổi, thân cây mục nát, cành khô hoặc bị bệnh. Cùng đó, phải tỉa cành đúng cách, loại bỏ cành khô yếu, giảm sức gió ngăn ngừa gãy đổ cũng như cải thiện cấu trúc rễ, bổ sung dinh dưỡng định kỳ để rễ khỏe mạnh.

Theo ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, hiện nay, ở các đô thị do sự phát triển quá nhanh nên hệ thống cây xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề đô thị hóa, công tác quy hoạch không đồng bộ. Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ, dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nghiêm trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ cây chỉ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu.

Ông Cường cũng cho rằng cần đặt vấn đề sâu hơn cây gì phù hợp trồng ở đô thị, giảm thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, việc này chính quyền phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn. Có rất nhiều loài cây khác có thể trồng được trong đô thị ở Việt Nam như cây Sao đen, chúng có thể sống được hàng trăm năm. Hoặc trong trường học thì có thể trồng những cây gỗ trung bình, hoặc nhỏ như các cây họ muồng…

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Viện Kiến trúc cảnh quan và Môi trường, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, thì cần làm rõ các tiêu chí lựa chọn cây trồng trong đô thị, như: lựa chọn cây trồng đảm bảo về không gian cảnh quan tuyến đường; lựa chọn cây xanh phù hợp với đặc trưng văn hóa của tuyến phố đó; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để có thể đưa ra được các đề xuất tuyến phố nào, đường nào thì trồng loài cây gì…

Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường… Để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gãy trong mùa mưa bão.

Cây xanh trên đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội rất phong phú và đa dạng về chủng loài, với khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là giống cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà Cừ, Sữa, Sấu, Muồng, Bằng Lăng, Phượng, Bàng…

Vấn đề quan trọng là trước khi trồng loại cây gì, trên tuyến đường nào nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia cây xanh để đảm bảo về văn hóa, kiến trúc cảnh quan cũng như an toàn cho người dân. Để những hàng cây xanh mãi là niềm tự hào của người Hà Nội, chứ không phải là sự âu lo mỗi khi mùa mưa bão tới.

Việc cân bằng giữa an toàn tính mạng con người và cảnh quan, sinh thái, tạo bóng râm cần có sự tính toán và cân đối phù hợp để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Sau siêu bão Yagi tàn khốc, việc lãnh đạo thành phố chủ trương cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc. Bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ và nhanh chóng trồng cây thay thế, đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân Hà Nội.

Điều đó cũng cho thấy một tư duy tích cực thay cho việc kêu ca và đổ lỗi, thì hãy cùng nhau dựng lại những hàng cây.

NAM VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ton-cay-xanh-do-thi-10289950.html