Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững hệ sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy
Nam Định có trên 2.500ha rừng phòng hộ ngập mặn. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ đê biển, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… Do vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nam Định có trên 2.500ha rừng phòng hộ ngập mặn. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ đê biển, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… Do vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy luôn được các cấp chính quyền và các ngành quan tâm.
Theo điều tra mới nhất về tính đa dạng sinh học trong gần 1.600ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ tại huyện Giao Thủy có 202 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 9 loài cây ngập mặn thực thụ là bần chua, 2 loài trang, sú, đước vòi, 2 loài ô rô, giá, cóc kèn. Hệ động vật cũng rất phong phú. Chỉ riêng khu vực bãi bồi cửa sông, ven biển thuộc VQG Xuân Thủy đã có 1.647 loài, trong đó có tới 9 loài chim, 3 loài cá, 4 loài bò sát, 1 loài giáp xác có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007; 19 loài cá, 1 bò sát, 14 loài chim có tên trong Danh lục đỏ của IUCN-2015. Nơi đây cũng là nơi lưu trú, kiếm ăn của 222 loài chim, hơn 160 loài cá và gần 500 loài động vật nổi và động vật không xương sống cỡ lớn ở đáy. Chính điều này đã và đang tạo ra những giá trị to lớn không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà còn giá trị về đa dạng sinh học và môi trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, với cao trình thấp so với mực nước biển, cùng mức sụt lún hàng năm lên tới trên 1cm, vùng ven biển tỉnh ta đã và đang chịu tác động rất lớn của mực nước biển dâng. Sự thay đổi dòng chảy, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, mực nước biển dâng cao kết hợp với triều cường và sóng biển sẽ ảnh hưởng ngày một nhiều hơn tới diện tích rừng ngập mặn, nhất là khu vực rừng được hình thành từ các loài cây có sinh khối nhỏ, tầng tán thấp, dễ bị chết hàng loạt (bần chua, trang, sú...) như tại VQG Xuân Thủy. Bên cạnh đó, hệ động vật đa dạng phong phú của VQG Xuân Thủy đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của người dân ở khu vực lân cận. Một số loài đặc hữu có giá trị cả về kinh tế và sinh thái như: móng tay, cáy mật, phi... đang bị đe dọa về số lượng và sự phân bố tại VQG. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và chủ rừng để bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý VQG Xuân Thủy và chính quyền các xã có rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép…
Trong hơn 10 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN) bảo tồn nguồn gen động vật, khảo nghiệm lựa chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn có triển vọng nhằm cải thiện tổ thành loài, nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các loài cây ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhiều mục đích của dải rừng ngập mặn ven biển của tỉnh. Điển hình như các đề tài, dự án: “Đầu tư phát triển vùng lõi VQG Xuân Thủy”; “Nghiên cứu, xác định một số cây trồng thích hợp và kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng tốt tại VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại VGQ Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”… Qua báo cáo theo dõi kỹ thuật của VQG Xuân Thủy kết hợp kết quả khảo sát cho thấy các nghiên cứu và khảo nghiệm đã lựa chọn được 3 loài cây có triển vọng là bần không cánh, vẹt dù, đước vòi phục vụ trồng phục hồi rừng tại các vị trí đất trống mất rừng do diễn thế sinh thái và tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện tổ thành loài, tăng khả năng chống chịu của hệ sinh thái rừng. Các loài cây này qua thời gian trồng thử nghiệm (từ 3 đến 8 năm) đã chứng minh khả năng tồn tại và phát triển ở những điều kiện thời tiết cực đoan (bãi trồng đất trống, ảnh hưởng thủy triều, bị hà bám...). Trong đó, riêng cây bần không cánh là một trong các loại cây trồng ngập mặn thể hiện tính vượt trội về sinh khối, sinh thái, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và đáp ứng tốt mục đích phát triển hệ sinh thái dải rừng ngập mặn ven biển ở Nam Định. Tuy vậy nguồn giống cây bần không cánh hiện đang khá hạn chế, nếu chỉ chờ tái sinh tự nhiên sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trồng cây tôn tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ ven biển của tỉnh. Từ năm 2018 đến 2020, Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý VQG Xuân Thủy thực hiện đề tài KH và CN “Nghiên cứu xây dựng quy trình gieo ươm và trồng cây bần không cánh góp phần phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định”. Sau gần 29 tháng thực hiện, đề tài đã xây dựng và hoàn thiện 3 báo cáo chuyên đề, 2 hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng cây bần không cánh; báo cáo tổng kết các kết quả nghiên cứu phục vụ cho việc tổ chức sản xuất tại chỗ giống cây bần không cánh ổn định, đủ tiêu chuẩn, chất lượng nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển rừng cũng như tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven biển tỉnh ta trong những năm tới. Khảo sát thực địa tại VQG Xuân Thủy vào giữa tháng 4-2022, đồng chí Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Các nhiệm vụ KH và CN giai đoạn 2011-2021 đã thể hiện tính thiết thực và ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững hệ sinh thái, đồng thời cũng khẳng định tinh thần chủ động, nghiêm túc, khoa học của Ban Quản lý VQG Xuân Thủy trong việc chủ trì, phối hợp triển khai các nhiệm vụ. Thời gian tới, Sở KH và CN phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý VQG Xuân Thủy tiếp tục đề xuất những hướng nghiên cứu mới, triển khai các dự án thực nghiệm phù hợp yêu cầu bảo tồn, phát triển giá trị kinh tế - xã hội và môi trường tại nơi đây.
Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững hệ sinh thái VQG Xuân Thủy không những là bảo tồn một mẫu cảnh quan đặc sắc của vùng cửa sông ven biển ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, thu hút khách du lịch, các hoạt động tham quan, nghiên cứu khoa học… mà còn là phát triển hệ thống phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ đời sống và dân sinh cho người dân vùng ven biển./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh