Bảo tồn di sản Cố đô Hoa Lư trong dòng chảy hiện đại

Di sản Cố đô Hoa Lư có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, là tài sản quý báu được trao truyền cho các thế hệ mai sau. Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vòng xoáy của phát triển đô thị, trước sự tàn phá của thời gian, môi trường và khí hậu vẫn luôn là mối quan tâm lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư.

Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư-nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.

Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư-nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.

Kinh đô Hoa Lư là vùng đất có vị trí chiến lược, gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Trong suốt 42 năm (968- 1010), Kinh đô Hoa Lư đã đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc đó là mở ra thời kỳ độc lập, đặt tiền đề cơ bản cho công cuộc xây dựng đất nước, thống nhất quốc gia. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Thăng Long, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ văn minh Đại Việt. Hoa Lư không còn cung điện dát vàng, dát bạc hay những lầu son gác tía nhưng đã để lại một di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Năm 2014, di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Trung tâm đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích luôn được các cấp, ngành và Trung tâm quan tâm, chú trọng nhằm lưu giữ, lan tỏa giá trị riêng có của địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo động lực phát triển ngành du lịch, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Việc quản lý, bảo vệ di tích được Trung tâm tuân thủ nghiêm túc theo Luật Di sản, đảm bảo tính nguyên gốc. Đặc biệt là các bảo vật quốc gia như: Long Sàng, Phủ Việt luôn được bảo quản tốt, đảm bảo tính mỹ quan, xung quanh có rào chắn bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích Cố đô Hoa Lư đang gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển bền vững và bảo tồn di sản, phát triển du lịch trong khu di sản; đồng thời phải phù hợp với Quy hoạch chung, Kế hoạch quản lý Di sản và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện vẫn có đường dân sinh đi qua nên ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đến hoạt động của khách du lịch và khó khăn trong công tác quản lý di tích. Để đảm bảo sự trang trọng, tính tôn nghiêm của di tích cần sớm triển khai đường dân sinh ra ngoài khu di tích, còn đường hiện nay đang chạy qua di tích thì chỉ dành riêng cho việc phục vụ khách tham quan.

Ngoài ra, công tác khai quật khảo cổ thời gian qua đã được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bí ẩn nằm trong lòng đất, đặc biệt những lần khai quật gần đây cho thấy, không gian phân bố di tích thuộc khu vực trung tâm của Kinh đô thực tế rộng gấp ba lần so với khu vực khoanh vùng bảo vệ Khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay. Do đó, để hướng tới việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị của di tích thời Đinh-Tiền Lê, cần tiếp tục cho tiến hành các cuộc khai quật có diện tích và quy mô mở rộng.

Đặc biệt, hiện nay tác động của quá trình đô thị hóa, người dân xây dựng các công trình nhà cửa, giao thông… có thể khiến các dấu tích bị xâm hại, vùi lấp. Kết quả nghiên cứu sẽ cho chúng ta cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo như bảo tồn tại chỗ các điểm khai quật, làm công viên khảo cổ học phục vụ nghiên cứu và khách du lịch. Đồng thời bảo vệ nguyên trạng diện tích từ khu vực phía Bắc của di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư (khu vực Ngòi Chẹm) đến khu vực cánh đồng Nội Trong như: di dời các hộ hiện đang sinh sống ra khỏi khu vực này, cấm các hoạt động xây dựng nhà, mồ mả, múc ao hồ,… gắn với Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh, trong giai đoạn hiện nay việc chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư là hết sức cần thiết. Đây chính là cầu nối đưa di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đưa di sản trở thành sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế-xã hội. Từ những kinh nghiệm học hỏi ở một số tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, ông Long đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện đại, như ứng dụng phần mềm Module quản lý di tích; ứng dụng công nghệ Lidar, Round Radar để xác định vị trí khai quật khảo cổ học; ứng dụng công nghệ 3D, Hologram quảng bá, hỗ trợ, thuyết minh di tích; đặc biệt cần tăng cường ứng dụng công nghệ QR thuyết minh tự động tại khu di tích.

Hiện nay, đội ngũ trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn-thuyết minh phục vụ khách tại di tích Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có khoảng 10 người. Trong đó, số cán bộ có trình độ ngoại ngữ còn rất hạn chế. Khi công nghệ QR thuyết minh tự động được đưa vào ứng dụng sẽ khắc phục được hạn chế trên, đem đến cho du khách những trải nghiệm tốt hơn.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hướng tới xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Cố đô Hoa Lư sẽ mở ra những không gian, động lực để tỉnh tiếp tục khai thác di sản một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ton-di-san-co-do-hoa-lu-trong-dong-chay-hien-dai/d20240816082822236.htm