Bảo tồn di sản văn hóa: Bảo vệ quá khứ và hiện tại
Trong bối cảnh công nghiệp hiện đại ngày nay, tại sao các quốc gia phải nỗ lực bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa - những dấu tích từ quá khứ? Câu trả lời nằm ở chính giá trị di sản là bản sắc, sự kết nối cộng đồng, nối liền giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sức mạnh của việc bảo tồn di sản văn hóa góp phần tạo động lực mạnh mẽ để biến đổi xã hội, đổi mới ý tưởng và tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Sức mạnh và vẻ đẹp của di sản
Di sản văn hóa được xem là tài sản quý giá để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, từ đại dịch COVID-19 cho đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các công cụ và kỹ năng cần thiết để tận dùng tối đa và tối ưu nguồn lực hiện tại để bảo vệ di sản văn hóa.
Gần 8 thập kỷ qua, các hành động của UNESCO đã góp phần thúc đẩy hiểu biết và nhận thức về khái niệm văn hóa, cũng như cách văn hóa có thể củng cố ý thức về chính con người như thế nào, từ đó hình thành quyết tâm và hành động cụ thể đề bảo vệ các di sản văn hóa. Từ nỗ lực phải bảo vệ di sản khỏi sự hủy diệt vào cuối Thế chiến thứ II cho đến việc triển khai các chiến dịch quốc tế nhằm bảo vệ các di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu. Đến nay, bảo tồn di sản văn hóa còn bao gồm bảo vệ các di sản sống, di sản phi vật thể, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo và bảo đảm sinh kế văn hóa.
Những bài học từ quá khứ giúp cho các thế hệ hiện tại có thể rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với những thay đổi tiếp theo ở phía trước. Như Tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy từng nói: “Hoa Kỳ sẽ tham gia vào nỗ lực quốc tế nhằm thu hút trí tưởng tượng và sự đồng cảm của người dân trên khắp thế giới. Bằng cách đóng góp vào việc bảo tồn các nền văn minh trong quá khứ, chúng ta sẽ củng cố và làm phong phú thêm nền văn minh của chúng ta hiện tại”.
Mối quan hệ giữa con người và văn hóa ngày càng trở nên sâu sắc hơn qua các năm. Theo đó, Công ước năm 1972 về bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được xem là công cụ toàn cầu quan trọng nhất để gắn kết tất cả các quốc gia với nhau trong nỗ lực chung về bảo tồn di sản. Với 195 quốc gia thành viên ký kết, đây là một trong những công ước được phê chuẩn nhiều nhất trên thế giới, cho thấy các quốc gia đều đồng thuận theo một định hướng chung về sự cần thiết phải bảo tồn di sản, cũng chính là bảo vệ quá khứ, hiện tại và tương lai của nền văn hóa thế giới.
Giải cứu ngôi đền Abu Simbel
Điều gì hấp dẫn du khách thập phương đến chiêm ngưỡng ngôi đền Abu Simbel, một di tích Ai Cập cổ đại được xây dựng vào thế kỷ 13 trước Công nguyên? Cứ hai lần một năm trong suốt 3.000 năm qua, vào lúc 6:29 sáng mỗi tháng 2 và tháng 10, người dân và du khách nơi này có thể chứng kiến một hiện tượng “có một không hai” khi ánh sáng mặt trời mọc xuyên qua lối vào hẹp, qua sảnh cột khổng lồ hơn 70 mét đến tận thánh đường bên trong, chiếu thẳng vào bức tượng Pharaoh Ramses II. Còn được nhắc tới với cái tên “Đền Mặt trời mọc”, ngôi đền không chỉ là một kỳ quan nghệ thuật về kiến trúc mà còn là kỳ quan về thiên văn học của nền văn minh cổ xưa. Được chạm khắc trên một ngọn đồi đá, ngôi đền thể hiện sức mạnh của vị pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập đối với người dân Nubian ở thượng nguồn sông Nile.
Theo thời gian, ngôi đền lớn và các công trình kiến trúc phụ cận bị cát bao phủ và bị lãng quên trong nhiều thế kỷ, cho đến khi các nhà khảo cổ khai quật lại vào năm 1813. Chỉ hơn một thế kỷ sau đó, các di tích của nền văn minh Ai Cập cổ đại này tiếp tục bị đe dọa nhấn chìm dưới nước sông Nile sau khi quốc gia này xây dựng đập Aswan. Việc xây dựng đập nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của Ai Cập lúc bấy giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Động thái này đồng thời dấy lên một cuộc tranh luận toàn cầu về nỗ lực cần thiết phải bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế: Liệu chúng ta có phải lựa chọn giữa các di tích của quá khứ và một nền kinh tế thịnh vượng cho xã hội ngày nay? Tại sao mọi người phải quan tâm đến những tảng đá và công trình cổ đại khi rất nhiều người đang cần lương thực và hỗ trợ khẩn cấp?
Những cuộc tranh luận này đã thúc đẩy một chiến dịch chưa từng có nhằm giải cứu các ngôi đền cổ ở Ai Cập. UNESCO đã chứng minh cho toàn thế giới rằng nhân loại không cần hi sinh quá khứ để phát triển hiện tại, trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Các di tích có giá trị nổi bật toàn cầu giúp con người hiểu về cội nguồn, đồng thời tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển to lớn. Cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu vào năm 1964 khi các chuyên gia từ 50 quốc gia bắt đầu làm việc cùng nhau dưới sự điều phối của UNESCO để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất về kỹ thuật khảo cổ học trong lịch sử. Toàn bộ di tích được cắt cẩn thận thành các khối lớn, tháo dỡ, nâng lên và lắp ráp lại ở vị trí mới cao hơn 65 mét và cách sông 200 mét, để lưu giữ và bảo tồn cho các thế hệ sau này.
Thành công “giải cứu” ngôi đền Abu Simbel đã cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong nỗ lực bảo tồn di sản, ngay cả khi Công ước về bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới còn chưa ra đời. Câu chuyện về ngôi đền cổ ở thung lũng sông Nile cũng bày ra một thực tế rằng, trên khắp thế giới đều có những di sản có giá trị nổi bật toàn cầu đang đứng trước nhiều mối đe dọa như xung đột vũ trang, cố tình phá hoại, áp lực kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu và chúng cần được bảo vệ trước những nguy cơ này. Đây không chỉ là nỗ lực bảo tồn những di sản của quá khứ mà còn là nỗ lực bảo vệ những thành quả của hiện tại, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.
Sự mong manh của Venice
Chỉ vài năm sau sáng kiến “giải cứu” đền thờ Abu Simbel, thành phố Venice (Ý) cũng được xác định đang đứng trước nhiều nguy cơ tổn hại nghiêm trọng, chủ yếu bởi mực nước biển dâng và sự bùng nổ của du lịch toàn cầu.
Bước ra ngoài ga xe lửa vào một buổi sáng sớm mùa thu, du khách bắt gặp không khí se lạnh chạm vào mặt nước, tạo thành một tấm màn sương mù dày đặc phủ trên Grand Canal, con kênh “xương sống” của Venice, có 4 cây cầu lớn bắc qua, nối những đảo chính. Trong đó, nổi tiếng nhất là cầu Rialto, được thiết kế bởi kiến trúc sư Antonio da Ponte vào khoảng năm 1590, đến nay đã tồn tại qua 5 thế kỷ. Cùng với đó, nhà thờ San Simeone Piccolo nằm ven bờ, được xây dựng từ năm 1718 đến 1738 bởi kiến trúc sư người Ý Giovanni Antonio Scalfarotto theo chủ nghĩa chiết trung của kiến trúc tân cổ điển, kết hợp với những tòa nhà lân cận tạo nên một bức tranh kiến trúc tuyệt đẹp. Thắng cảnh này đã mê hoặc hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới hàng năm trong suốt nhiều thập kỷ tồn tại cùng với thành phố Venice cổ kính, độc đáo và duy nhất.
Tuy nhiên, thành phố di sản này ngày càng trở nên mong manh và có nguy cơ bị mất đi mãi mãi, giống như ngôi đền Abu Simbel, khi mực nước biển dâng cao. Lũ lụt ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Độ ẩm và vi sinh vật đang ăn mòn dần những cọc gỗ dài mà người dân Venice cách đây 1.600 năm đã đóng sâu vào lòng đất bùn của đầm phá để xây dựng nền móng sơ khai của thành phố. Năm 1966 đã xảy ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Venice, thúc đẩy UNESCO và Chính phủ Ý phát động một chiến dịch lớn để bảo vệ thành phố di sản. Sau 3 thập kỷ, những thành tựu về khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế đã phần nào giúp Venice chống chịu được với những trận lũ và xói mòn tự nhiên.
Thế nhưng, mối đe dọa tiếp sau đó lại là du lịch đại chúng, tiềm ẩn tổn hại do quá trình phát triển đô thị và dòng tàu du lịch khổng lồ đều đặn di chuyển, đè bẹp lên nền móng mong manh, dễ vỡ của thành phố cổ. Năm 2021, Chính phủ Ý đã ban hành lệnh cấm tàu lớn vào trung tâm thành phố, nhằm bảo vệ tính toàn vẹn về môi trường, cảnh quan và văn hóa của Venice. Đến nay, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, công cuộc bảo vệ và bảo tồn thành phố di sản vẫn đang đứng trước rất nhiều nguy cơ và rủi ro có thể bị biến mất mãi mãi.