Bảo tồn gắn với phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa

Xác định cây dược liệu là một trong những sản phẩm có lợi thế, huyện Tam Đảo không chỉ quan tâm đến công tác bảo tồn, phát triển bền vững các loài dược liệu quý mà còn tích cực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất; từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng cây ba kích, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Gia đình anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng cây ba kích, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo số liệu điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng một số ngành chức năng, trên địa bàn huyện Tam Đảo hiện có hơn 900 cây có ích. Trong đó, có hơn 40 loài đặc hữu và 60 loài quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng Tam Đảo, hoa tiên, chùy hoa leo, trọng lâu kim tiền...

Sự đa dạng về nguồn gen giống cây bản địa không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Nhiều cây dược liệu quý như trà hoa vàng, ba kích, hoàng đằng, hoa tiên, củ dòm, hoàng tinh hoa trắng... đã được phát triển thành các sản phẩm dược liệu có tác dụng chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa, chữa trị một số căn bệnh hiểm nghèo.

Nhằm đẩy lùi nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên, trong 10 năm trở lại đây, huyện Tam Đảo đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các cơ quan, cá nhân, tổ chức chủ động thực hiện chủ trương nghiên cứu khoa học gắn với phát triển nguồn dược liệu.

Một số cây thuốc có nguy cơ bị mất giống và bị tuyệt chủng được đưa về mức độ an toàn, thậm chí còn phát triển thành cây hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều loài cây thuốc quý vẫn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có chính sách đầu tư, bảo tồn thích đáng.

Trong khi đó, nhiều mô hình trồng dược liệu như ba kích, trà hoa vàng, nghệ, sâm cau, tỏi rừng, khôi nhung… tuy đã được người dân đầu tư, mở rộng diện tích nhưng nhìn chung, việc nuôi trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát.

Hiện vẫn chưa có cơ chế và giải pháp lâu dài đảm bảo đầu ra cho dược liệu cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây thuốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây thuốc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến năng suất và tính cạnh tranh các sản phẩm dược liệu còn thấp.

Bởi vậy, đến nay, Tam Đảo vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh, tiềm năng vốn có về tài nguyên dược liệu cùng các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng do thiên nhiên ưu đãi.

Để bảo tồn và khai thác, phát triển nguồn gen các giống cây trồng bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khai thác tốt tiềm năng kinh tế vườn đồi, thời gian tới, huyện Tam Đảo sẽ tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu bản địa.

Di chuyển các cây dược liệu mới có giá trị, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng để bảo tồn, phát triển, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái cây dược liệu trên địa bàn toàn huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật khoa học, công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước xây dựng thương hiệu "Dược liệu Tam Đảo" gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giữ gìn môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Trong đó, huyện định hướng đưa vào phát triển sản xuất chủ yếu 5 loại cây dược liệu trà hoa vàng, ba kích, đinh lăng, sâm nam và cúc hoa vàng cùng một số cây dược liệu ngắn ngày khác như gừng, nghệ, giảo cổ lam, xạ đen...

Hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, nông dân áp dụng tiến KHKT trong canh tác, nhập mới và di thực các loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện của địa phương về lưu giữ, bảo tồn và phát triển; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74307/bao-ton-gan-voi-phat-trien-duoc-lieu-thanh-nganh-san-xuat-hang-hoa.html