Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các hoạt động phát triển sự nghiệp VHTTDL là những thông tin tiêu biểu tại các tỉnh Trà Vinh, An Giang và Vĩnh Long
Trà Vinh: Trong thời gian qua, ngành VHTTDL tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Kết quả đạt được cụ thể như sau: Việc tham gia bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào Khmer được Sở VHTTDL thực hiện thông qua việc in và phát hành Nội san văn hóa chữ Khmer một năm 02 số với số lượng 2.400 quyển trong dịp lễ Chol Chnam Thmay, lễ Sen Đôn Ta. Xây dựng Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1478/QĐ-UBND ngày 7/8/2019 để đến năm 2025 đầu tư phát triển điểm du lịch Ao Bà Om trở thành điểm du lịch cấp quốc gia của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kết hợp khai thác tốt các điểm di tích, một số chùa Khmer tiêu biểu của tỉnh trong việc phát triển du lịch như: Di tích Óc Eo Lưu Cừ II, Chùa Hang, Chùa Pnô Đôn, Chùa Âng…; Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày được hơn 800 hiện vật thể hiện văn hóa ăn-mặc-ở, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và truyền thống đoàn kết đấu tranh của đồng bào Khmer Trà Vinh.
Tính đến tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã công nhận tổng cộng 42 di tích (15 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh), trong đó có 19 di tích là di sản văn hóa của dân tộc Khmer, 02 di tích của dân tộc Hoa. Ngoài ra, Sở VHTTDL đã tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 65 chùa Khmer; đã hỗ trợ tu bổ và tôn tạo di tích giai đoạn 2011-2015 là 16,267 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 3,4 tỷ đồng.
An Giang: Sở VHTTDL tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, các trường dân tộc nội trú, năm 2020.
Mục tiêu chung của chương trình nhằm hỗ trợ cán bộ, người dân, học sinh ở các xã khu vực III, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, trường dân tộc nội trú; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, có cơ hội được tiếp cận với những nội dung kiến thức về chính trị, chính sách, pháp luật; văn hóa, xã hội; khoa học và đời sống.
Loại hình ấn phẩm cung cấp gồm: sách chữ, sách có hình minh họa,... Hình thức thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, thân thiện với người dân. Ưu tiên ấn phẩm có nội dung tuyên truyền văn hóa ứng xử, giáo dục đời sống gia đình, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng, lễ hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kinh nghiệm hay, mô hình tốt, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực: giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở … phù hợp với đối tượng người dân nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Vĩnh Long: Trong Quý I năm 2020, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo kế hoạch. Trong đó, trọng điểm là nhiệm vụ tổ chức thành công các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý năm 2020. Các hoạt động vui xuân năm 2020 đã hướng mạnh về cơ sở, tạo được không khí vui xuân đầm ấm, sinh động ở các vùng nông thôn. Công tác quản lý nhà nước luôn được chú trọng trước, trong và sau tết, không xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Các hoạt động phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tiến hành theo kế hoạch. Công tác chuẩn bị cho các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II đang tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ.
Cụ thể, về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Bảo tàng tỉnh, các khu di tích và phòng truyền thống các huyện đã tiếp đón 174. 618 lượt khách đến tham quan; Tổ chức trưng bày chuyên đề "Đảng cộng sản Việt Nam 90 năm xây dựng và trưởng thành" tại Bảo tàng, Khu tưởng niệm Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long tại Vĩnh Xuân, Trà Ôn; Trưng bày cụm ảnh xuân và 10 sự kiện tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2019 trong khuôn viên Bảo tàng; Sưu tầm 11 hình ảnh, tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày di tích Khám lớn Vĩnh Long; 20 ảnh phục vụ trưng bày 10 sự kiện tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2019 và cụm ảnh xuân Canh Tý năm 2020 tại Bảo tàng.
Về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": tỉnh ban hành Kế hoạch khảo sát, góp ý, hỗ trợ các xã đăng ký hoàn thành việc thực hiện Tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), Tiêu chí số 16 (văn hóa) trong Bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Về hoạt động văn hóa nghệ thuật: tổ chức nhiều hoạt động như Hội thi Thiếu nhi vẽ tranh nhân Giỗ Tổ Hùng Vương; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2020; Liên hoan Đờn hát dân ca Nam Bộ lần II năm 2020; Liên hoan các nhóm hát trẻ tỉnh Vĩnh Long năm 2020. Phục vụ (05 buổi) giao lưu Đờn ca tài tử tại Fastival Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ IV năm 2019 tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.
Về công tác gia đình: Trình UBND ban hành Công văn thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh và ban hành kế hoạch công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long năm 2020; Tổ chức tập huấn triển khai nhân rộng Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân và Mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cho 02 xã mới (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ và xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh); Xây dựng Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình lồng ghép tuyên truyền chuyên đề về gia đình năm 2020; Kế hoạch tuyên truyền Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020. Phối hợp Hội Người Cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" tại huyện Mang Thít; Nhân bản và phân phối 15.000 tài liệu tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình năm 2019 cho 526 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 35 ấp, khóm được triển khai mô hình và đề án trên địa bàn tỉnh./.