Bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển ngôn ngữ S'tiêng - Bài cuối
TRÁCH NHIỆM VÀ THÁCH THỨC KHI HỌC TIẾNG S'TIÊNG
BPO - Khoản 3, Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt". Vì vậy, để hòa nhập vào phát triển chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em, việc học tiếng Việt là trách nhiệm bắt buộc của người S'tiêng. Bên cạnh đó, để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển ngôn ngữ của người S'tiêng thì nhiệm vụ trước hết cũng chính là cộng đồng người S'tiêng. Do đó, nếu chỉ quan tâm đến việc học ngôn ngữ S'tiêng mà không quan tâm đến học tiếng Việt, thậm chí là không học ngôn ngữ nước ngoài, ngôn ngữ của một số cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đang cư trú trên địa bàn tỉnh thì cộng đồng dân tộc S'tiêng sẽ không phát triển. Đây là trách nhiệm và thách thức lớn đối với cộng đồng người S'tiêng khi học tiếng S’tiêng trong xu thế hội nhập.
Khi bàn về toàn cầu hóa nói chung, toàn cầu hóa văn hóa và toàn cầu hóa ngôn ngữ nói riêng, tác giả Trần Ngọc Thêm nhận xét rằng: "Dù muốn hay không, toàn cầu hóa nói chung, toàn cầu hóa văn hóa và toàn cầu hóa ngôn ngữ nói riêng đang là xu thế không thể nào đảo ngược". Về vấn đề nguy cơ, tác giả Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh rằng: "Khi tiếng mẹ đẻ được thay thế bằng tiếng của nước ngoài, thì nguy cơ mai một của một nền văn hóa dân tộc là không thể tránh khỏi" (Trần Ngọc Thêm, 2014, tr.496). Vì "mọi hoạt động đều làm phát sinh phản lực", "toàn cầu hóa là xu hướng hòa nhập vào cái chung (quốc tế) làm phát sinh ra phản lực là sự thu hẹp khoảng cách (thậm chí triệt tiêu) cái riêng (dân tộc) trước hết là văn hóa và ngôn ngữ. Trung bình cứ khoảng 2 tuần, thế giới lại mất đi 1 ngôn ngữ". Tiếp đó là "đã là xu hướng tất yếu thì không nên chống lại" (bảo thủ), cũng không nên hùa theo (a dua), mà thái độ hợp lý hơn là tìm cách lợi dụng nó". "Không nên hùa theo, vì hùa theo là góp phần làm thay đổi mình quá nhanh. Cũng không nên chống lại, vì việc quay ngược lại bánh xe lịch sử là không thể, vô ích và có hại" (Trần Ngọc Thêm, 2014, tr.498). Và "Ngôn ngữ là một lĩnh vực đặc biệt, nó không chấp nhận quyền lực mà chỉ tuân theo những quy luật văn hóa" (Trần Ngọc Thêm, 2014, tr.501).
Trường hợp Singapore và Malaysia là một điển hình. Khi Singapore tách ra khỏi Malaysia vào năm 1965, hai nước có trình độ phát triển gần như nhau. Do tầm nhìn của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ quốc gia vào năm 1970 (hoàn thành vào năm 1984), đó là một trong yếu tố quan trọng làm cho quốc đảo này phát triển. Trong khi đó, năm 1969, Chính phủ Malaysia ban hành Luật Lấy tiếng Bahasa của người gốc Mã Lai làm ngôn ngữ trong nhà trường thay cho tiếng Anh để xóa bỏ tàn dư chủ nghĩa thực dân (kết thúc vào năm 1982). Việc làm này của Chính phủ Malaysia dẫn đến hậu quả là tình trạng thất nghiệp tăng cao, vì thanh niên Malaysia không kiếm được việc làm trong các công ty quốc tế. Năm 2002, Thủ tướng Mahathir Mohamat quyết định đưa tiếng Anh trở lại trường học (Alonesalem, 2010).
Thực tiễn này thấy rằng, vai trò của ngôn ngữ quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia, cộng đồng DTTS. Tác giả Benjamin Lee Whorf (người Mỹ, 1897-1941) nhận xét: "Cấu trúc của tiếng mẹ đẻ của bất kỳ người nào cũng ảnh hưởng mạnh mẽ hoặc hoàn toàn quyết định cách nhìn thế giới mà người này sẽ có được trong quá trình thủ đắc thứ tiếng đó".
Một thách thức khác đối với người S'tiêng (không phải cán bộ, công chức, viên chức và học sinh) đó là: việc học ngôn ngữ của dân tộc mình phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố đầu tiên có thể đề cập đến chính là điều kiện kinh tế gia đình, thời gian để học. Yếu tố thứ hai chính là chính sách của Nhà nước (như một động lực) để đi học, nền tảng kiến thức (đã học tiếng Việt) để thuận lợi hơn cho việc học. Hiện nay, qua theo dõi, đa phần người S'tiêng chưa được tiếp xúc với chữ viết của người S'tiêng (từ bộ sách học tiếng S'tiêng năm 1962, tài liệu dạy tiếng S'tiêng năm 2007, từ điển S'tiêng - Việt và Việt - S'tiêng năm 2008, bộ chữ viết S'tiêng 2018), không biết đọc chữ S'tiêng, sử dụng ngôn ngữ S'tiêng chưa thành thạo… Đối với cán bộ, công chức, viên chức và học sinh thì trách nhiệm và thách thức càng nặng nề hơn. Người S'tiêng phải sử dụng thành thạo tiếng Việt, tiếng nước ngoài để làm việc và học tập, vừa thành thạo tiếng dân tộc S'tiêng để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển ngôn ngữ của mình.
Thực tiễn cho thấy, do nhu cầu giao lưu, hội nhập với thế giới, từ những năm 1985-1986 ở Việt Nam đã bùng lên phong trào học tiếng Anh. Trước tình hình đất nước đang mở rộng các mối quan hệ quốc tế, để tiếp thu tốt những kinh nghiệm về quản lý kinh tế hiện đại, mỗi cán bộ quản lý và công chức Nhà nước phải biết ngoại ngữ để tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, trực tiếp giao dịch, làm việc với người nước ngoài và để có điều kiện tiếp tục học tập nghiên cứu... ngày 15-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 422-TTg về đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức.
Nhìn tổng thể, việc học tiếng S'tiêng đối với cộng đồng người S'tiêng trong xu thế hội nhập vừa là cơ hội, quyền lợi nhưng cũng là vấn đề trách nhiệm và thách thức lớn. Về cơ hội, quyền lợi: Đảng và Nhà nước đã có chính sách rất cụ thể. UBND tỉnh đã ban hành tài liệu bồi dưỡng tiếng S'tiêng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi tỉnh Bình Phước. Đây là điều kiện tốt nhất để người S'tiêng học tập, nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình. Về trách nhiệm và thách thức: Tiếng Việt là tiếng phổ thông nên người S'tiêng phải học và sử dụng thành thạo nó. Học ngoại ngữ là tất yếu để tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, hòa nhập quốc tế. Vì vậy, việc xem thường một yếu tố nào sẽ là lực cản đến sự phát triển của chính bản thân và cộng đồng người S'tiêng trong xu thế hội nhập hiện nay.
Điểu Điều
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh