Bảo tồn hệ sinh thái rừng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.

Theo đó, Đề án yêu cầu rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc to thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên để xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng. Lựa chọn loài cây trồng để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) cho từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng.

Lực lượng kiểm lâm đang nỗ lực bảo vệ rừng, hệ sinh thái rừng. Ảnh minh họa.

Xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn, cho từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên) và theo từng vùng sinh thái để triển khai, thực hiện. Trên cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả sẽ tổng kết, tài liệu hóa và nhân rộng mô hình ra các vùng, khu vực khác trên phạm vi cả nước.

Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, đặc biệt là có sức chống chịu cao với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ. Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất cây giống phục vụ nâng cao chất lượng rừng bằng công nghệ cao, công nghệ nuôi cấy mô.

Quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ diện tích rừng của các tổ chức quản lý rừng được xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Triển khai các chương trình kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; trong đó tăng cường theo dõi sự biến động về diện tích, chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để có giải pháp phù hợp với từng vùng, khu vực; kiểm soát chặt chẽ tác động tiêu cực đối với hoạt động phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai thực hiện, lồng ghép với Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đến năm 2030 và các cơ chế, chính sách mới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đã và đang thực hiện của các nhà tài trợ quốc tế; đồng thời tiếp tục huy động, kêu gọi tài trợ, hợp tác quốc tế trong bảo vệ và phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm theo đúng quy định. Tăng cường huy động vốn ngân sách địa phương, vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp theo cơ chế đối tác công tư, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng.

Đối với tỉnh ta, từ nhiều năm nay luôn tăng cường quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có. Được biết, Dự án quản lý rừng bền vững tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 9.340 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tiếp tục đẩy mạnh tái sinh tự nhiên. Trong năm 2023 đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2.050 ha; chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những khu vực nhạy cảm về môi trường tiếp tục được nâng cao. Công tác phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở được chú trọng thực hiện. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng kế hoạch trồng và phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở và đất đồi núi chưa sử dụng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ton-he-sinh-thai-rung-119538.html