Bảo tồn hệ sinh thái rừng ở Phú Quốc

Đảo Phú Quốc có diện tích rừng chiếm tới 2/3 diện tích tự nhiên, trong đó Vườn quốc gia Phú Quốc được giao quản lý, bảo vệ 36.262 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong bối cảnh suy thoái, mất rừng tự nhiên, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tạo sinh kế ổn định cho người dân ven rừng càng trở nên cấp thiết, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Lực lượng chuyên trách tuần tra bảo vệ rừng.

Lực lượng chuyên trách tuần tra bảo vệ rừng.

Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật từng ghi nhận rừng Phú Quốc có hơn 1.397 loài thực vật và 490 loài động vật. Nơi đây cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Mặc dù có hệ sinh học đa dạng trải dài trên diện tích rộng lớn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội những năm qua đã tác động không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Phú Quốc.

Hệ sinh thái rừng đa dạng

Theo Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thực vật đảo Phú Quốc được phân bố ở ba hệ sinh thái với địa hình, thổ nhưỡng khác nhau: Hệ sinh thái rừng rậm cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái rừng úng phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đồng thời, hiện nay, rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc cũng được chia thành ba phân khu, bao gồm: Bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phân khu hành chính-dịch vụ. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc khu vực núi Hòn Chảo là nơi được bảo tồn nguyên vẹn nhất hiện nay, với mức độ bảo vệ cao nhất trên toàn đảo. Các hoạt động ra vào gần như bị cấm tuyệt đối, ngay cả hoạt động nghiên cứu khoa học cũng phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Khu vực này có hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm như: Voọc bạc Đông Dương, culi lớn, lan vân hài.

Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên lên kế hoạch xác định tuyến đường tuần tra theo từng ngày đi bộ hay xe máy, thuyền… phù hợp địa hình của từng hệ sinh thái. Tần suất tuần tra được tăng cao vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập trái phép săn bắt động vật hoang dã, chặt phá, khai thác rừng.

Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng Rạch Tràm Lê Thế Sơn cho biết: “Ngay khi có dấu vết động vật quý hiếm hoặc các hiện tượng bất thường, đội tuần tra luôn đặc biệt chú ý để phát hiện sớm, phối hợp các đơn vị có phương án bảo vệ kịp thời”.

Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật từng ghi nhận rừng Phú Quốc có hơn 1.397 loài thực vật và 490 loài động vật. Nơi đây cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cùng với đó, Trung tâm Du lịch sinh thái và Cứu hộ sinh vật cũng đã phối hợp điều tra và ghi nhận sự phân bố của một số loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam như rái cá vuốt bé và rái cá lông mượt đang sinh sống tự nhiên trong rừng Phú Quốc; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn cây cóc đỏ - loài cây quý hiếm đang bên bờ tuyệt chủng. Những người làm cứu hộ ở rừng Phú Quốc cũng mới tiếp nhận, bàn giao cho cơ sở bảo tồn gây nuôi và tái thả về môi trường tự nhiên 45 cá thể rùa, rắn, kỳ đà vân do người dân giao nộp. Đơn vị này cũng đang tăng cường nghiên cứu dự án bảo tồn nguồn gien các loài nguy cấp, quý, hiếm; lập danh mục thành phần các loài động vật bị đe dọa, góp phần bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của rừng.

Việc bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ then chốt để ứng phó biến đổi khí hậu, hiện thực hóa mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, phát triển kinh tế nhiều khi đã xung đột với công tác bảo tồn, dẫn đến giảm diện tích rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học, một số loài bị thu hẹp môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng.

Với diện tích rừng trải dài trên phạm vi hàng chục ngàn héc-ta, nhiều đường giao thông chia cắt, khu dân cư và hộ dân riêng lẻ sống đan xen trong rừng là thách thức không nhỏ đối với công tác bảo tồn, phát triển rừng. Theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP, lực lượng kiểm lâm chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, càng khiến lực lượng này ở đảo Phú Quốc ngày càng mỏng. Đồng thời, do không còn là kiểm lâm cho nên chế độ chính sách cũng thay đổi, lương thưởng thấp hơn trước, dễ gặp phải sự chống trả của đối tượng vi phạm, dẫn đến số nhân sự xin nghỉ việc gia tăng.

Theo Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng Bãi Dài Trần Thanh Vân, lực lượng ở đội chỉ còn hai đến ba người, phải quản lý địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, có nhiều đường mòn lối mở, cho nên rất khó trong việc kiểm soát vi phạm. Mặt khác, vào mùa khô, toàn đội phải trực phòng cháy hằng ngày ở lán trại trong rừng, do đó, hầu như không có thời gian về thăm gia đình.

Tìm hướng bảo tồn, phát triển rừng bền vững

Thực tế cho thấy, các vấn đề về chế độ đãi ngộ và quyền hạn thực thi công vụ đang là điểm vướng trong công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng. Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ và Phát triển rừng Phạm Viết Giáp cho biết: “Trước đây có Hạt Kiểm lâm nằm trong Vườn quốc gia và Giám đốc Vườn là Hạt trưởng, cho nên khi phát hiện vi phạm sẽ kịp thời xử lý. Nhưng từ khi giải thể các hạt kiểm lâm, chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, chúng tôi phải báo sang chi cục kiểm lâm, chính quyền địa phương, mất rất nhiều thời gian và tiến độ xử lý nhanh hay chậm không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Vườn chỉ có chức năng nhắc nhở, do vậy tính chất răn đe ngăn ngừa vi phạm không cao”.

Trong số 25 vụ vi phạm được chuyển giao cho ủy ban nhân dân các xã, phường thì đến nay mới chỉ xử phạt hành chính được ba vụ, phạt tiền 218 triệu đồng nhưng hiện mới chỉ có 4 triệu đồng được nộp. Một số vụ việc vi phạm không thể xử lý do đối tượng đã đi khỏi địa phương hoặc quá nghèo không thể khắc phục hậu quả. Thực tế này cho thấy trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng chuyên trách vẫn đang trong tình trạng “đi sau” các vi phạm.

Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của rừng cũng đang gặp vướng bởi một số quy định. Đơn cử như việc triển khai làm một lán trại có giếng nước để phòng chống cháy rừng mùa khô thì thời gian thực hiện các thủ tục giấy tờ mất nhiều tháng và đến khi hoàn tất cũng là thời điểm mùa mưa tới. Thực tế đó khiến các công trình, dự án phát triển ở Phú Quốc chỉ ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển lâm nghiệp lâu dài.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp, để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng, vấn đề cơ bản là làm tốt công tác quản lý xã hội; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, nhân lực từ các nơi khác đến phát triển Phú Quốc nhưng cần quản lý chặt chẽ các thành phần gây mất trật tự xã hội, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Đặc thù ở Phú Quốc là không có cửa rừng, khu vực chồng lấn, xen lẫn với dân cư trải dài từ tuyến đường xuyên rừng đến các vùng ven, vì vậy, để công tác bảo tồn đạt hiệu quả bền vững, việc hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân ven rừng ổn định cuộc sống rất cần thiết. Tránh lặp lại tình trạng từng thu hồi đất, bố trí tái định cư nhưng không tạo kế sinh nhai, đến khi hết tiền đền bù thì người dân lại quay trở lại xâm hại rừng, đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, người dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng.

Từ năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng (Vườn quốc gia Phú Quốc) tổ chức 6.281 cuộc tuần tra truy quét, phát hiện ngăn chặn và thông báo cho các cơ quan chức năng 79 vụ vi phạm, trong đó, chuyển giao Hạt Kiểm lâm thành phố Phú Quốc 54 vụ, phạt tiền hơn 225 triệu đồng, khởi tố hình sự chuyển cơ quan cảnh sát điều tra hai vụ.

Bài và ảnh: HẠNH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-he-sinh-thai-rung-o-phu-quoc-post877077.html