Bảo tồn Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia
Ngày 28/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, UBND thị xã Duy Tiên (Hà Nam) phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia'.
Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn ra đời cách đây nhiều trăm năm. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Lễ hội bắt đầu từ sự kiện vị vua nổi tiếng thời Tiền Lê là Lê Đại Hành (Lê Hoàn) về chân núi Đọi vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, cầu mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an.
Kể từ đó, Lễ hội trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau duy trì thực hành. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc duy trì Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn có lúc gặp khó khăn, bị gián đoạn trong một thời gian dài. Đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức khôi phục lại Lễ hội, diễn ra vào mùng 5 - 7 tháng Giêng.
Từ năm 2010, Lễ hội được UBND thị xã Duy Tiên và cộng đồng nhân dân địa phương tiếp nhận tổ chức, duy trì thực hiện và trở thành lễ hội thường niên quan trọng của tỉnh Hà Nam. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc… đã tham dự lễ hội, thậm chí trực tiếp tham gia nghi thức Tịch điền; là niềm tự hào và vinh dự lớn cho nhân dân thị xã Duy Tiên và tỉnh Hà Nam.
Hội thảo Bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn năm 2023 nhằm làm rõ những vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn. Hội thảo cũng tập trung nghiên cứu, khai thác tài nguyên di sản văn hóa, kết nối không gian văn hóa vùng Đọi Sơn, tạo động lực phát triển du lịch tỉnh Hà Nam.
Trên 30 tham luận gửi tới Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những khía cạnh chủ yếu liên quan đến việc bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia. Trong tham luận “Lễ hội tịch điền và truyền thống trọng nông của người Việt”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính làm rõ truyền thống trọng nông qua tư tưởng và chính sách của các triều đại phong kiến trong lịch sử, các nghi lễ nông nghiệp.
Tham luận của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, mô tả sinh động về lịch sử hình thành và phát triển Lễ Tịch điền qua các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn và ngày nay. Tham luận của Thạc sỹ Lương Thanh Thủy đánh giá về nguồn tài nguyên văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch của Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn trên địa bàn thị xã Duy Tiên, việc quy hoạch, xây dựng các tiểu khu chức năng thực hành lễ hội, trải nghiệm và dịch vụ du lịch hấp dẫn; triển khai xây dựng các tuyến, tour lữ hành kết nối với các trung tâm du lịch nổi tiếng, khu du lịch quốc gia trong vùng và cả nước và các tuyến lữ hành quốc tế...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cho biết, Hội thảo nhằm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với mục tiêu, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Quốc gia Tịch điền - Đọi Sơn và quảng bá tiềm năng du lịch bền vững của vùng văn hóa châu thổ sông Hồng, UBND tỉnh Hà Nam, UBND thị xã Duy Tiên và cộng đồng người dân - chủ nhân của di sản, các nhà khoa học đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị di sản phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp khai thác, kết nối tài nguyên du lịch không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với du lịch quốc gia trong thời gian tới.