Bảo tồn nghề sơn mài ở Nhật Bản

Cố đô Kyoto của Nhật Bản sở hữu vô số kho báu văn hóa. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp truyền thống lâu đời của đất nước mặt trời mọc.

Anh Tsutsumi trong xưởng sơn mài của gia đình

Anh Tsutsumi trong xưởng sơn mài của gia đình

Một trong số đó là Tsutsumi Asakichi Urushi - xưởng tinh chế sơn mài Tsutsumi. Sơn mài trong tiếng Nhật là urushi, một nghề thủ công đòi hỏi nhiều năm đào tạo và thực hành để hoàn thiện.

Theo truyền hình CNA (Singapore), anh Takuya Tsutsumi là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống kinh doanh sơn mài 114 năm tuổi và tình yêu của anh đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này đã được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu. Anh Tsutsumi cho biết, ông cố của anh là ông Asakichi, đã mở cửa hàng sơn mài và xưởng sản xuất cũng chính là nhà của ông. Anh không quên lần mình mang một chiếc máy bay đồ chơi làm bằng đất sét bị hỏng đến xưởng và ông của anh đã dùng sơn mài để sửa lại chiếc cánh bị gãy. Với anh, “sơn mài bao hàm cả lòng tốt của người ông và còn có thể tạo ra nhiều thứ khác”.

Sơn mài được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm truyền thống như bộ đồ ăn, đồ trang trí, đồ nội thất, cũng như cửa ra vào và bình phong. Lớp sơn mài được làm từ nhựa cây urushi hàng chục năm tuổi và đã được sử dụng trong hơn 10.000 năm. Thu thập và tinh chế nhựa cây là một quá trình tốn nhiều công sức đòi hỏi kỹ năng tuyệt vời. Tsutsumi tinh chế urushi bằng cách lọc, khuấy và đun nóng - quá trình cần một tháng để hoàn thành.

Theo anh, điều hấp dẫn về sơn mài là mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên: vật liệu được lấy từ thiên nhiên, là loại sơn duy nhất cứng lại nhờ độ ẩm, tạo cảm giác dễ chịu trên da người. Cũng theo anh, có một quan niệm sai lầm rằng sơn mài là một chất liệu không bền. Ngược lại, sơn mài không bị ảnh hưởng ngay cả với axit hoặc kiềm. Mặc dù vật liệu này linh hoạt một cách đáng ngạc nhiên, nhưng nó đã dần trở nên ít phổ biến hơn trong những năm qua, với mức tiêu thụ sơn mài hàng năm ở Nhật Bản giảm mạnh từ 500 tấn xuống chỉ còn 23 tấn trong thời gian gần đây.

Điều này có lẽ một phần là do việc sử dụng vật liệu này khá khó khăn. Trước đây, những người thợ tinh chế urushi phải trộn bằng tay dưới ánh nắng mặt trời để tạo cho nó một lớp sơn bóng. Ngày nay, người ta dùng máy để trộn urushi, nhưng việc tinh chế nguyên liệu vẫn không phải là một công việc dễ dàng. Anh Tsutsumi cho biết trong chế tác sơn mài, việc kiểm soát thời gian để đạt độ “chín” của sơn mài là vô cùng khó khăn.

Hiện tại, chỉ còn khoảng 10 xưởng tinh chế urushi ở Nhật Bản với quy trình khép kín. Tsutsumi Asakichi Urushi là một trong số đó và sơn mài do xưởng sản xuất được sử dụng để phục hồi các bảo vật quốc gia hay tài sản văn hóa quý giá. Để nghề này không bị lụi tàn, năm 2016, Tsutsumi bắt đầu một dự án mang tên urushi-no-ippo (Bước đầu tiên trong sơn mài Nhật Bản) để giới thiệu tiềm năng của sơn mài cho thế hệ tiếp theo. Anh hợp tác với các nghệ sĩ, mô phỏng lại cách sử dụng sơn mài theo cách hiện đại để thu hút những khách hàng trẻ tuổi. Ví dụ, anh đã dùng sơn mài cho ấm đun nước cũng như những bức tượng nhỏ đồ chơi Bearbrick thời thượng.

Để đảm bảo tính bền vững của nghề thủ công quý hiếm này, năm 2019, Tsutsumi thực hiện sáng kiến trồng cây urushi ở khu vực rừng Keihouku nằm ở phía Bắc Kyoto. Ngày nay, chưa đến một tấn sơn mài địa phương được sử dụng ở Nhật Bản, đó là một xu hướng mà anh hy vọng sẽ đảo ngược, mặc dù phải mất đến 15 năm để một cây urushi trưởng thành hoàn toàn.

HUY QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ton-nghe-son-mai-o-nhat-ban-post682528.html