Bảo tồn nguồn gen quý, đặc hữu là nhiệm vụ cấp bách
Phú Yên là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và đặc hữu. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguồn gen bản địa có đặc điểm tốt, có giá trị đang bị suy giảm, mất dần. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn gen bản địa quý, đặc hữu là rất cần thiết.
Còn nhiều khó khăn
Thực hiện đề án khung các nhiệm vụ nguồn gen 2021-2025, Sở KH-CN đã giao Trung tâm KH-CN (trực thuộc sở này) tiếp tục lưu giữ 7 nguồn gen cây lâm nghiệp, 14 nguồn gen cây dược liệu và 2 nguồn gen invitro. Thông qua nhiệm vụ KH-CN, ngành đã điều tra, khảo sát, đánh giá nguồn gen trà Mã Dọ; bảo tồn, phục tráng và phát triển cây cam thảo Đá Bia, trà Mã Dọ, chim yến đảo; khai thác, phát triển nhân giống nguồn gen và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm, xây dựng sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu chứng nhận cá chình hoa…
Theo ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm KH-CN, hiện nay, quá trình triển khai đề án khung các nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn và bất cập. Các đối tượng nguồn gen trong đề án được tổng hợp từ đề xuất của các đơn vị, địa phương và thông tin từ nguồn thứ cấp nên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ hiện trạng, tiềm năng phát triển các đối tượng nguồn gen quý hiếm, đặc hữu. “Công tác điều tra, thu thập thông tin, rà soát đánh giá hiện trạng các nguồn gen quý, đặc hữu chưa được chú trọng. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn nguồn gen còn hạn chế. Nhân lực cho công tác này còn yếu và thiếu…”, ThS Nguyễn Trọng Lực trăn trở.
Là người thực hiện đề tài bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trà Mã Dọ và cây cam thảo Đá Bia, theo ThS Nguyễn Trần Vũ (Trường đại học Phú Yên), đề án khung các nhiệm vụ về quỹ gen ở Phú Yên chưa mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xác định phương pháp hiệu quả trong việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen ở các địa phương trong tỉnh chưa được xây dựng. “Một số nguồn gen từ kết quả các đề tài, dự án đã kết thúc nhưng không có nguồn kinh phí để duy trì, bảo quản và phát triển. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, nên nhiều nguồn gen chưa được đưa vào bảo tồn và phát triển thành sản phẩm hàng hóa”, ThS Nguyễn Trần Vũ nhìn nhận.
Cần giải pháp căn cơ, cụ thể
Theo TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản III, để việc triển khai đề án khung các nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen được đẩy mạnh, nhiều nguồn gen được bảo tồn và sử dụng bền vững, thời gian đến, Phú Yên cần có những giải pháp căn cơ và cụ thể. Trong đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu cần ưu tiên và lồng ghép vào các chương trình bảo vệ, bảo tồn và đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ nguồn gen chung của tỉnh.
“Tỉnh cần phải đánh giá được nguồn gen đặc hữu của địa phương, giá trị thực và tiềm năng phát triển các nguồn gen cần bảo tồn. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý tập trung bảo tồn, dữ liệu về nguồn gen tại địa phương trong tỉnh cần kết nối với hệ thống dữ liệu nguồn gen quốc gia. Mặt khác, các cơ sở dữ liệu về nguồn gen đặc hữu, có giá trị phải được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, xây dựng dữ liệu khoa học các nguồn gen ưu tiên khai thác và phát triển. Để làm được điều này, Phú Yên cần phải huy động sự tham gia và phối hợp của các nhà khoa học, các chuyên gia và các đơn vị, cá nhân đã và đang thực hiện công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng các nguồn gen”, TS Thái Ngọc Chiến nói.
Còn theo ThS Dương Trí Tuấn (Viện Chăn nuôi), Phú Yên cần xây dựng được vườn sưu tập thực vật tại tỉnh để phục vụ công tác bảo tồn, đào tạo, nghiên cứu và tuyên truyền giá trị sử dụng, sự đa dạng sinh học của địa phương. Tỉnh cần đẩy mạnh công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lưu trữ, bảo quản, phục tráng, nhân giống, khai thác và phát triển các nguồn gen đặc hữu địa phương, có giá trị tạo sản phẩm chủ lực cho tỉnh; cần có chính sách thu hút, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo tồn và phát triển các nguồn gen đặc hữu.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen ở địa phương được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm và tham gia thực hiện. Tuy nhiên, hiện nhiều nguồn gen đặc hữu, có giá trị chưa được điều tra, thu thập đầy đủ nên có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác, việc bảo tồn và phát triển nguồn gen tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa phát triển thành chương trình, dự án để nghiên cứu chuyên sâu, phát triển thành các sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững... Vì vậy, việc thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng, tìm ra các giải pháp bảo tồn, lưu giữ và bảo quản các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên là vấn đề mà Sở KH-CN đang rất quan tâm và chú trọng trong tuyển chọn các nhiệm vụ KH-CN về bảo vệ nguồn quỹ gen hằng năm trong thời gian đến.
Theo Sở KH-CN, giai đoạn 2021-2025, Phú Yên sẽ bảo tồn 76 nguồn gen quý hiếm và đặc hữu, trong đó có 23 nguồn gen cây lâm nghiệp, 32 nguồn gen cây dược liệu, 6 nguồn gen giống cây nông nghiệp, 8 nguồn gen thủy sản và 2 nguồn gen vật nuôi. Đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát triển 38 nguồn gen cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây nông nghiệp và vật nuôi.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/293330/bao-ton-nguon-gen-quy-dac-huu-la-nhiem-vu-cap-bach.html