Ứng dụng khoa học - công nghệ: Nâng cao hiệu quả sản xuất

Đưa khoa học - công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi là hướng đi đang được các cấp, ngành chức năng ở huyện Phú Bình khuyến khích bà con nông dân. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, giảm chi phí sản xuất, nhân công.

Huyện Phú Bình đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng lúa chất lượng cao, hướng tới cấp mã vùng trồng. Trong ảnh: Thu hoạch lúa chất lượng cao ở xã Thanh Ninh.

Huyện Phú Bình đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng lúa chất lượng cao, hướng tới cấp mã vùng trồng. Trong ảnh: Thu hoạch lúa chất lượng cao ở xã Thanh Ninh.

Vụ mùa năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã phối hợp triển khai mô hình gieo cấy tập trung giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 tại các xóm Đá Bạc, Cầu Mành (xã Bàn Đạt), với quy mô 30ha.

Qua đánh giá cho thấy, giống lúa này sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, có khả năng chống chịu khá với một số loại sâu bệnh chính trên đồng ruộng. Do đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đề nghị phòng chuyên môn tham mưu với UBND huyện đưa giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 vào cơ cấu giống của địa phương trong những vụ tiếp theo.

Anh Diệp Chí Ninh, ở xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, chia sẻ: Sau khi tham gia mô hình, tôi nhận thấy giống lúa Thụy Hương 308 đạt chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh, năng suất đạt 2,3 tạ/sào, cao hơn 0,8 tạ so với giống Khang dân trước đây. Mặc dù giá bán trên thị trường tương đương nhau nhưng do năng suất của giống Thụy Hương 308 cao hơn nên hiệu quả kinh tế tăng đáng kể. Vụ mùa tới, gia đình tôi có thể sẽ tiếp tục gieo cấy giống lúa này.

Đưa vào sản xuất cây, con giống mới, chất lượng cao là một trong những giải pháp được UBND huyện Phú Bình quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó chủ yếu là giống lúa. Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các công ty, viện nghiên cứu đưa các giống lúa mới vào sản xuất trình diễn.

Sau khi đánh giá tính thích ứng với đồng đất, khí hậu địa phương, Trung tâm sẽ tham mưu đưa vào sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, phòng, đơn vị chuyên môn của huyện cũng xây dựng các vùng sản xuất tập trung một giống lúa chất lượng cao, lúa lai để hướng tới cấp mã số vùng trồng. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã được cấp 16 mã số vùng trồng với diện tích 57,07ha.

Ông Vũ Hiền Phú (ở xóm Hải Ninh, xã Tân Kim, Phú Bình) lắp đặt hệ thống máng ăn, uống tự động trong chuồng nuôi gà.

Ông Vũ Hiền Phú (ở xóm Hải Ninh, xã Tân Kim, Phú Bình) lắp đặt hệ thống máng ăn, uống tự động trong chuồng nuôi gà.

Cùng với dần thay thế cây, con giống chất lượng cao, UBND huyện Phú Bình chỉ đạo phòng chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ (KHCN) trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, phòng chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức 45 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi với gần 3.000 lượt người tham gia.

Tại các buổi tập huấn, người dân được hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học để cải tạo đất, phòng trừ vi sinh vật gây hại trong đất; ứng dụng máy móc hiện đại, tự động hóa vào sản xuất...

Đi đôi với công tác tập huấn, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện còn phối hợp thực hiện 13 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình là trên 13,8 tỷ đồng.

Nổi bật là Dự án mở rộng sản xuất, chế biến và bảo quản trám đen với kinh phí gần 4 tỷ đồng; mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình theo hướng hữu cơ gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại xã Tân Khánh với kinh phí 250 triệu đồng; ứng dụng KHCN phát triển đàn lợn nái ngoại theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại xã Lương Phú với kinh phí 520 triệu đồng...

Tham gia các dự án, người dân được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, máy móc hiện đại và tập huấn khoa học - kỹ thuật.

Ngoài ra, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hợp tác xã có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ (đặc biệt là sản phẩm đạt OCOP) xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; số hóa quy trình sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hợp tác xã Bình Minh (xã Nhã Lộng, Phú Bình) được hỗ trợ 3.500m2 nhà lưới để sản xuất rau xanh theo hướng công nghệ cao.

Hợp tác xã Bình Minh (xã Nhã Lộng, Phú Bình) được hỗ trợ 3.500m2 nhà lưới để sản xuất rau xanh theo hướng công nghệ cao.

Từ những giải pháp đồng bộ đó, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, tích cực ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân, hợp tác xã còn chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Ông Phạm Văn Phượng, ở xóm Giàn, xã Tân Hòa: Nhờ tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, tôi có thêm kiến thức và chủ động mua chế phẩm đệm lót sinh học, men vi sinh để rải trên sàn chuồng. Nhờ vậy, mỗi lứa gà, tôi chỉ cần dọn chuồng 1 lượt, giảm 3 lượt so với phương pháp cũ. Đàn gà cũng ít bị bệnh tật hơn, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Trung bình mỗi lứa gà, tôi nuôi 1.500 con, tỷ lệ gà xuất bán đạt 95% (tăng 10% so với phương pháp truyền thống), chi phí sản xuất giảm 10%...

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, qua thống kê sơ bộ, toàn huyện Phú Bình hiện có 5 hợp tác xã và trên trên 13.000 hộ, trang trại chăn nuôi gà (chủ yếu là chăn nuôi theo hình thức thả đồi), trong đó có 80% số hộ, cơ sở đã sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh xử lý môi trường chăn nuôi.

Diện tích lúa cả năm là 11.689ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 45%. Các giống chủ yếu là TH3-7, TH3-5, nếp Thầu dầu, J02... Ngoài ra, 33/33 sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn đều đã được số hóa quy trình sản xuất, có mã QR truy xuất nguồn gốc.

Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.529,2 tỷ đồng, tăng 33,2 tỷ đồng so với năm 2021; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123,5 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng so với năm 2021.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN, UBND huyện Phú Bình tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thời gian tới. Đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghenang-cao-hieu-qua-san-xuat-ec3129f/