Bảo tồn nhà sàn truyền thốngở Mường Mìn
Bao đời nay, ngôi nhà sàn không chỉ là chốn đi về, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của đồng bào Thái.
Nhà sàn từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Mường Mìn. Cùng với sự đổi thay của cuộc sống, nhiều hộ dân ở đây đã xây dựng nhà theo kiến trúc mới, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn giữ những nếp nhà sàn theo kiến trúc truyền thống của dân tộc mình. Từ bao đời nay, ngôi nhà sàn không chỉ là chốn đi về, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của đồng bào Thái. Tập quán sinh sống giữa những vùng thung lũng, gắn với ruộng đồng và rừng núi đã hình thành nên lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà sàn cao giúp ngôi nhà tránh được ẩm thấp, thú dữ; kết cấu nhà chắc chắn giúp công trình trụ vững giữa thời tiết khắc nghiệt vùng cao và được bao thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ. Mường Mìn được chia thành 5 bản, dân số chủ yếu là đồng bào Thái chiếm gần 96%. Nhà sàn có ở hầu hết các thôn, bản trong xã, nhưng nhiều và tập trung nhất ở bản Yên, bản Bơn, bản Chiềng. Có những ngôi nhà tuổi đời 40 đến 50 năm đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Theo chia sẻ của Trưởng bản Phạm Bá Công: Bản Bơn có 110 hộ dân, đồng bào Thái chiếm trên 90%. Đến nay người dân vẫn giữ nguyên trạng cấu trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Theo quan niệm từ cha ông để lại, người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặc biệt phải gần nguồn nước. Do đó, những ngôi nhà sàn ở đây đều có địa thế cao ráo, thoáng mát.
Ngôi nhà sàn của gia đình anh Vi Hoàng Vũ (53 tuổi, bản Bơn) có tuổi đời hơn 50 năm với kết cấu 3 gian, có hai cầu thang lên xuống nằm ở đầu nhà và cuối nhà. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc nơi đây, cầu thang ở đầu nhà thường dành cho nam giới, những người cao tuổi đi lại, còn cầu thang cuối nhà là dành riêng cho phụ nữ, phục vụ việc nấu nướng, bếp núc. Qua thời gian, các bộ phận chính của ngôi nhà vẫn được giữ gìn... Anh Vũ cho biết: “Bản Bơn hiện chỉ còn khoảng hơn 20 hộ giữ được nếp nhà sàn truyền thống, còn phần lớn người dân khi làm nhà bây giờ họ thường sử dụng vật liệu như xi măng, sắt, ngói để thay thế cho vật liệu truyền thống như gỗ, luồng. Do sự khan hiếm nguyên liệu gỗ làm nhà, một số hộ đã thay đổi số lượng cột nhà ít đi, thay vào đó là cột bê tông. Ngoài ra, những phong tục liên quan đến việc chọn ngày, chọn đất, dựng cột, cất nóc... tuy vẫn tồn tại nhưng đã đơn giản hóa đi nhiều so với trước đây”.
Ông Vi Văn Thái (73 tuổi, bản Bơn) đã sống trong ngôi nhà sàn do ông cha để lại ngót nghét đã gần 60 năm, chứng kiến những đổi thay của bản Thái qua từng nếp nhà, con đường bê tông hóa. Những ngôi nhà sàn cũng được quy hoạch xây dựng phù hợp với không gian mới, nguyên liệu mới, với kiến trúc hiện đại đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường. Dù vậy, ngôi nhà của gia đình vẫn mang hình dáng của nếp nhà sàn xưa.
Đồng chí Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: "Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, địa phương luôn quan tâm tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Chú trọng bảo tồn, trùng tu nhà sàn lâu năm còn lại trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy giá trị nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn gắn với XDNTM, với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...".