Bảo tồn những âm thanh đang biến mất
Nhà sinh thái học Bernie Krause đã ghi lại âm thanh từ thế giới tự nhiên trong 55 năm, và giờ đây buổi triển lãm mới của ông ở San Francisco (Mỹ) được coi là một lời kêu cứu của môi trường hoang dã.
Trong một nhà hát nhỏ ở bảo tàng Exploratorium của San Francisco, vùng đồng bằng khô cằn của Zimbabwe sống lại với tiếng kêu của khỉ đầu chó và những con ngỗng, và bờ biển California hiện lên trong tiếng kêu của mòng biển và tiếng sóng vỗ vào bờ. Bài ca ám ảnh của loài cá voi lưng gù gợi lên sự tĩnh lặng của biển sâu, át đi tiếng ồn ào của bảo tàng khoa học và thế giới bên ngoài.
Đó là The Great Animal Orchestra (Dàn hợp xướng Động vật Vĩ đại), một chuyến du ngoạn bằng âm thanh qua bảy hệ sinh thái do nhà sinh thái học Bernie Krause trình diễn. Sau buổi ra mắt năm 2016 tại bảo tàng Fondation Cartier ở Paris và chuyến lưu diễn tiếp theo qua châu Âu và châu Á, triển lãm lần đầu tiên đến bờ biển phía tây.
Sinh ra ở Detroit vào năm 1938, ông Krause nổi tiếng với “âm nhạc trong thế giới tự nhiên”. Trong 55 năm qua, ông đã ghi lại môi trường trên thế giới bằng cách sắp xếp hàng trăm âm thanh của động vật hoang dã thành một dàn hợp xướng.
Một buổi sáng sớm ở rừng nhiệt đới Cộng hòa Trung Phi – chính xác là ngày 8/9/ 1994 – bắt đầu với tiếng vo ve của côn trùng trong bóng tối. Âm thanh phát ra vào lúc bình minh là dàn đồng ca gồm tiếng chim và tiếng ếch ộp. Các tần số âm thanh xuất hiện trên một biểu đồ, chiếu sáng các bức tường của nhà hát. Các loài côn trùng xuất hiện ở mức trung bình 6.000 hertz, trong khi loài thỏ đá hầu như không vượt quá 2.000. Một ngày lên đến đỉnh điểm với tiếng gầm của những con voi vùng vẫy trong đầm lầy, âm thanh lớn đến mức tạo những gợn sóng trong vũng nước nông trên sàn nhà hát.
“Tôi muốn giúp mọi người cảm nhận sức mạnh của những câu chuyện kể về động vật này”, ông Krause nói. Tác phẩm của ông không chỉ truyền tải vẻ đẹp của những môi trường sống này mà còn nhấn mạnh tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu đang tàn phá đời sống động vật hoang dã. Thư viện của ông với hơn 5.000 tiếng ghi âm khắc họa một thế giới đang suy thoái nhanh chóng. Theo ước tính của ông Krause, “gần 70% kho lưu trữ của tôi đến từ các môi trường sống đã biến mất”.
Âm nhạc của thế giới tự nhiên
Hệ sinh thái Soundscape (phong cảnh âm thanh) là một lĩnh vực tương đối mới nhằm nghiên cứu mối quan hệ âm thanh giữa các sinh vật sống. Ông Krause, với tư cách là một nhạc sĩ, đã đóng góp cho lĩnh vực này bằng cách coi âm thanh tự nhiên như “âm nhạc”. Đọc các biểu đồ dưới dạng ký hiệu âm nhạc, ông nhận thấy mỗi âm thanh của động vật xuất hiện ở tần số riêng biệt, như thể nó đang hát một phần của tổng phổ. Vào đầu những năm 1980, khi ông Krause cho rằng âm thanh của hệ sinh thái lành mạnh tựa như một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ; thì cộng đồng khoa học vẫn đang ghi lại âm thanh của động vật một cách riêng lẻ.
“Họ chủ yếu ghi âm với những chiếc đĩa hình parabol giúp tách tiếng chim, ếch, côn trùng và động vật có vú ra khỏi âm thanh của môi trường”, ông Krause cho biết. “Do đó, họ không bao giờ có thể ghép các âm thanh lại với nhau để môi trường âm thanh nghe như thật”.
Ông Krause thực hiện bản thu âm đầu tiên của mình vào năm 1968 tại rừng Muir Woods phía bắc San Francisco, ngay sau khi ký hợp đồng thu âm với hãng Warner Brothers. Là một nhạc sĩ điện tử cực kỳ thành công vào thời điểm đó, ông thu thập âm thanh cho “In a Wild Sanctuary”, một album năm 1970 được nhớ đến như một thử nghiệm đột phá trong việc kết hợp các nhạc cụ với các bản ghi âm trong vùng hoang dã. Ông nhớ lại việc hòa mình vào khu rừng như một trải nghiệm đổi đời, một sự giải thoát khỏi phòng thu âm đóng kín bí bức. “Tôi cảm thấy đầy sức sống”, ông nói.
Sau khi soạn nhạc cho bộ phim “Apocalypse Now” vào năm 1979, ông Krause đã lấy bằng tiến sĩ về âm thanh sinh học và dành những thập kỷ tiếp theo của cuộc đời để ở trong những vùng hoang dã và lắng nghe, kiên nhẫn chờ đợi âm thanh xuất hiện. Một khám phá vĩ đại đã đến với ông vào một đêm ở Châu Phi năm 1983, khi ông bắt đầu nghe thấy nguồn gốc của âm nhạc loài người trong nhịp điệu của thế giới tự nhiên. “Đây là một dàn nhạc”, ông nghĩ. “Đây là thứ cho phép chúng ta nhảy và hát”.
Lời cầu cứu của môi trường
The Great Animal Orchestra là công trình hợp tác giữa ông Krause và tổ chức United Visual Artists (UVA), những người đã lập trình các biểu đồ để minh họa những phát hiện của ông để những người xem có thể nhìn thấy những âm thanh ông đã thu lại.
“Trong một môi trường sống lành mạnh, biểu đồ hiển thị âm thanh của nhiều loài động vật. Chúng cũng ghi nhận sự thay đổi liên tục của môi trường”, ông Krasue nói. Một bản ghi âm năm 1988 chưa chỉnh sửa đến từ thung lũng Lincoln Meadow, California, cho thấy một biểu đồ dày đặc với bài ca tươi sáng, phức tạp của chim sẻ, chim cút, chim chích chòe và chim sẻ. Khi so sánh với bản thu năm 1989, âm thanh đã mờ nhạt hơn hẳn. Sự khác biệt rõ ràng trên biểu đồ: các tần số có thể nhìn thấy thuộc về một chim hút mật duy nhất và tiếng dòng sông chảy.
Trong hai năm, đồng cỏ trông vẫn vậy nhưng với ông Krause và chương trình The Great Animal Orchestra, nhiều loài khác nhau đã biến mất. Krause cho biết ông cảm thấy không mấy lạc quan về quá trình chống lại khủng hoảng khí hậu thời gian qua. Trong những năm 1960, 10 giờ trên một cánh đồng là đủ để sản xuất một tiếng tư liệu có thể sử dụng được, nhưng thời gian cần thiết ngày nay là gần 1.000 giờ. Năm 2017, ông và vợ, bà Katherine Krause, mất nhà vì vụ cháy rừng ở Sonoma, California - một thảm họa mà các chuyên gia cho rằng sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn một khi Trái đất nóng lên.
Ông Krause cảm thấy cô đơn: “Tôi có một thư viện âm thanh khổng lồ mà rất ít ai quan tâm”, ông nói. Ông tiếp tục phát hành các album về âm thanh cảnh quan, thông qua tổ chức môi trường mà ông điều hành cùng với bà vợ Katherine.
Nhưng ngay sau khi ông xuất bản cuốn sách “The Great Animal Orchestra” năm 2012, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Pháp Fondation Cartier đã tiếp cận ông để cùng tạo ra một buổi triễn lãm sắp đặt sống động. Kết quả là một màn trình diễn sâu sắc về sự liên kết của thế giới thông qua âm thanh. Theo ông Krause: “Tầm nhìn của họ lớn hơn nhiều so với tầm nhìn của tôi”.
Ông Krause hy vọng rằng công việc của mình có thể đóng vai trò là lời khẩn cầu của môi trường. “Khi tôi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, tôi có thể tiếp cận mọi người về mặt cảm xúc, nhiều hơn bất kỳ bài báo nghiên cứu nào có thể làm được”, ông nói. “Chúng ta phải thực hiện một số thay đổi. Nhưng chúng ta phải khẩn trương”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-ton-nhung-am-thanh-dang-bien-mat-post1543773.tpo