Bảo tồn, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia
Tỉnh ta hiện có 4 nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên); Thành bậc lan can bằng đá thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tỉnh ta hiện có 4 nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên); Thành bậc lan can bằng đá thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Bảo vật Tượng Phật A Di Đà được thờ tại chùa Ngô Xá (tên chữ là “Phi Lai tự”), thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi. Tượng được làm bằng đá nguyên khối, gồm hai phần: Tượng và bệ tượng; đầu và thân tượng ghép với nhau bằng mộng. Thân tượng thon, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ. Sau gần 1.000 năm, toàn bộ phần tượng còn nguyên vẹn. Bệ tượng gồm 2 phần: đài sen dùng để đặt tượng và chân bệ. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Trên mặt các cánh sen chạm nổi đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn phụ họa dày đặc được chạm đục tinh tế. Chân bệ có mặt hình bát giác, khối hình chóp cụt, gồm 2 bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước. Tính đến nay, đây là một trong hai pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam. Với những giá trị văn hóa - lịch sử, ngày 30-12-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận tượng Phật chùa Ngô Xá là Bảo vật quốc gia.
Năm 1966-1967 trong đợt khai quật phế tích Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) các nhà khoa học đã tìm thấy thành bậc lan can bằng đá thời Lý (thế kỷ XII). Bảo vật hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh trong tình trạng còn tương đối nguyên vẹn. Thành bậc lan can hay còn gọi là tay vịn thành bậc có dáng hình hộp, dài 205cm, cao 46cm, dày 17cm, 1 đầu vuông, một đầu chéo nhọn lên trên, chia làm hai phần: Phần trên 2 mặt chạm nổi hình 14 vũ nữ (mỗi bên 7 vũ nữ) trong tư thế múa dâng hoa. Phần dưới một mặt chạm kín hoa sen xen hoa cúc uốn lượn hình sin, bên cạnh hoa văn phụ trợ hình dấu hỏi và hoa văn tay mướp; mặt còn lại khớp với bậc lên xuống, vì thế hoa văn được trang trí ở khoảng trống giữa mỗi bậc và đề tài giống với mặt trước. Ở mặt này có 2 mộng khoét sâu vào thân bậc dùng để lắp ghép. Thành bậc là hiện vật đá gốc độc bản có niên đại thời Lý duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Theo các nhà nghiên cứu, qua các đề tài hoa văn trang trí, nhất là hình tượng người được thể hiện trên bảo vật đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, về trang phục, trang sức, nghề thủ công chạm khắc truyền thống; đồng thời còn phản ánh mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với văn hóa Chăm Pa, Trung Quốc và Ấn Độ.
Mô hình nhà thời Trần được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25-12-2015. Mô hình được làm bằng đất nung, có niên đại vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) do người dân đào được tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) năm 1973. Mô hình gồm 14 mảnh ghép với nhau tạo thành một quần thể công trình kiến trúc theo bố cục “nội công, ngoại quốc”, có kích thước hình chữ nhật dài 100cm, rộng 95cm. Bên ngoài là tường vây gồm 8 mảnh, kết cấu phía trước là cổng; chính giữa tường, sau là một tòa nhà 4 mái; hai bên tường mở 2 cửa, trong đó cửa bên có bố cục và đồ án trang trí giống như trên bộ cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh… Mái lợp ngói ống và ngói mũi sen. Bên trong mô hình gồm các thành phần: tòa nhà chính hình chữ nhật 4 mái, phía trong là bộ cánh cửa trang trí hình rồng chầu giống mô tuýp trang trí trên bộ cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh… Kế tiếp là 2 dãy nhà dọc nằm ở 2 bên (dạng ống muống) vuông góc và gối một đầu lên nhà chính. Bên phải công trình là nhà đặt bia, bên trái là cây tháp (dạng tháp mộ) 2 tầng 4 mái lợp ngói mũi sen. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây là mô hình nhà nguyên gốc, được chế tác hoàn toàn thủ công. Ngoài việc còn nguyên vẹn về hình dáng, có nguồn gốc rõ ràng, các chi tiết kiến trúc trong mô hình như: cột, trụ, xà, đấu, vì kèo được trang trí tỉ mỉ, tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như lá đề, hoa cúc, hình rồng, hiện vật này đặc biệt có giá trị giúp các nhà khoa học hiểu thêm về đặc trưng kiến trúc, mỹ thuật thời Trần, để có căn cứ khi phục dựng các công trình lịch sử - văn hóa thời Trần.
Nhóm hiện vật Bộ chân đèn và lư hương chất liệu gốm men được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30-12-2013, được sưu tầm tại Đình Cự Trữ và Chùa Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh). Chân đèn cao 76cm, dáng thon, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn, hai bên đắp 2 tai đèn hình rồng có cánh để mộc không phủ men chạy dọc, đầu rồng hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi trên thân đèn gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị, lá đề... Thân đèn có vai ngang, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình rồng, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” nghĩa là: chế tạo ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị thứ 3 (1590). Lư hương cao 40,4cm gồm 2 phần trên và đế. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú; phần đế giống chiếc hồ lô trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Trên chân lư hương khắc chìm 27 dòng chữ Hán thông tin về người và ngày chế tạo lư 20 tháng 8 năm Hưng Trị thứ 3 (1590)... Bộ chân đèn và lư hương là những hiện vật gốc độc bản về số lượng, hình thức, đề tài trang trí, phong cách nghệ thuật, ngày tháng sản xuất. Đối với chân đèn, đến thời điểm này là hiện vật thời Mạc duy nhất của nước ta có đầy đủ các bộ phận hợp thành, hoàn thiện về hình thức. Lư hương là tiêu bản duy nhất có hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ tinh xảo khác xa với các lư hương thời Mạc được tìm thấy, phát hiện ở nước ta. Điều đặc biệt, tuy hai hiện vật có nguồn gốc khác nhau nhưng đều được sản xuất cùng ngày 20-8-1590.
Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh ta sở hữu 4 bảo vật quốc gia, cho thấy bề dày giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương. Để phát huy giá trị các hiện vật, trong đó có các bảo vật quốc gia, những năm qua Bảo tàng tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong các công tác kiểm kê, bảo quản, trưng bày, quảng bá các hiện vật, hướng tới xây dựng bảo tàng “điện tử”, mang đến những trải nghiệm mới cho khách tham quan. Các phòng trưng bày được bổ sung những phương tiện hiện đại như: Màn hình cảm ứng, ti vi chiếu phim tư liệu, máy chiếu… Các bảo vật quốc gia được sắp xếp trưng bày theo từng giai đoạn lịch sử thể hiện tính liên tục, toàn diện về nội dung, giúp khách tham quan hiểu được giá trị của từng bảo vật. Đặc biệt, với dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định”, đến nay, Bảo tàng tỉnh được đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác quản lý hiện vật, nâng cấp hệ thống máy tính; xây dựng trang thông tin điện tử: “baotangtinhnamdinh.vn”; trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật công nghệ 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo… Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn duy trì phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục với mỗi năm có hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, góp phần bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư