Bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản

Cây đa cổ thụ thuộc bản Lở Thàng 1, bản Lở Thàng 2 (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) trên 500 tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ đầu tháng 5/2024. Để bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của Cây Di sản Việt Nam; đồng thời, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực chăm sóc, bảo vệ gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch.

Nằm cách thành phố Lai Châu 12km, nơi giao nhau giữa 2 tuyến đường tỉnh lộ 130 và tuyến hành lang biên giới, xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) được coi là điểm kết nối giữa thành phố Lai Châu và Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN thuộc xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Những năm qua, Thèn Sin thu hút khách du lịch với cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ cùng bản sắc văn hóa độc đáo, con người thân thiện, hiền hòa, mến khách. Ẩn trong khu vực rừng già cổ xưa của 2 bản: Lở Thàng 1, Lở Thàng 2, cách trung tâm xã Thèn Sin 600m là nơi tọa lạc của cây đa cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây đa cổ thụ đứng sừng sững, hiên ngang như một minh chứng lịch sử lâu đời và tinh thần quật cường của người dân nơi đây. Được mệnh danh là “cây thần, cây thiêng”, cây đa đã trở thành biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người dân xã Thèn Sin. Cây đa có tuổi đời ước tính trên 500 năm, với chu vi thân chính 10,6m, đường kính gốc 3,37m, chiều cao 21,2m, dáng khỏe mạnh, tán lá sum suê tỏa bóng mát cả một khoảng rộng, thân cây to lớn, có bộ rễ đồ sộ, bám sâu vào lòng đất như níu giữ sự trường tồn cùng với thời gian. Bao quanh cây đa là thảm cỏ xanh mướt là nơi nghỉ chân lý tưởng cho người dân sau những giờ làm việc vất vả.

Cây Di sản Việt Nam thuộc 2 bản: Lở Thàng 1, Lở Thàng 2 (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường).

Cây Di sản Việt Nam thuộc 2 bản: Lở Thàng 1, Lở Thàng 2 (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường).

Cây đa cổ thụ này không chỉ mang vẻ đẹp, biểu tượng trường tồn mà còn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Thèn Sin. Tương truyền, cây đa là nơi trú ngụ của các vị thần linh che chở cho dân bản bình an, may mắn. Vào những dịp lễ hội, người dân thường tụ tập dưới gốc đa để vui chơi, ca hát, tạo nên bầu không khí vui tươi, náo nhiệt. Dưới tán đa già là nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng như: cúng tế cầu an, tỏ lòng thành kính của người dân đối với tổ tiên.
Người dân nơi đây vẫn kể, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vị trí cây đa này cũng chính là nơi những người yêu nước thường tụ họp tại đây để bàn bạc kế sách, phương án đối phó với các cuộc càn quét, bắt phu, chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân. Đặc biệt, để chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1952, tại đây cán bộ ta đã tổ chức họp, bàn bạc để ủng hộ sức người, đóng góp thóc, lúa cho bộ đội tham gia chiến dịch. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, vị trí cây đa lại là nơi Ủy ban hành chính xã, lực lượng dân quân địa phương tổ chức họp bàn phương án chống lại cuộc xâm lược của giặc ngoại xâm, bàn bạc kế hoạch di tán dân cư đến nơi an toàn.
Cây đa như một “chứng nhân lịch sử” của nhân dân các dân tộc xã Thèn Sin, đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, ý nghĩa, thiêng liêng của người dân nơi đây. Nhiều lần bom đạn của thực dân, đế quốc rơi cũng không làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển, trường tồn của cây đa. Qua hơn 500 năm tuổi cây đa lưu giữ những câu chuyện gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày, đời sống tâm linh, lịch sử và văn hóa của người dân địa phương.
Ông Lù A Kèn - Bí thư Chi bộ bản Lở Thàng 2 cho biết: “Cây đa cổ thụ của bản rất tâm linh, từ trước đến nay, người dân trong bản luôn tôn thờ, thường xuyên thờ cúng. Chúng tôi tuyên truyền cho thế hệ con, cháu về giá trị tâm linh, lịch sử của cây đa để thế hệ sau biết đến những công lao của thế hệ đi trước, đồng thời, vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao giá trị của cây đa di sản để cây phát triển tốt, trường tồn với thời gian, thúc đẩy phát triển văn hóa tâm linh”.
Nhằm bảo tồn, phát huy cây di sản tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường quan tâm, hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, tạo cảnh quan quanh khu vực cây đa di sản khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng.
Đồng chí Nguyễn Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Thèn Sin cho biết: “Cây đa cổ thụ này rất linh thiêng, gắn liền với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xã. Cây đa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, là cơ hội để xã khơi dậy tinh thần yêu nước, tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tạo động lực để xã Thèn Sin phát triển văn hóa tâm linh cũng như phát triển kinh tế cho nhân dân trên địa bàn”.
Với giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh, cây đa cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, là tiền đề để xã Thèn Sin quảng bá, phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội khởi sắc.

Phương Thanh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-ph%C3%A1t-huy-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-c%C3%A2y-di-s%E1%BA%A3n