Bảo tồn, phát huy giá trị cụm di sản độc đáo ở Thủ đô

Gần 50 năm đã trôi qua, sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất Hà Nội, nhưng những chứng tích, dấu ấn của cuộc chiến 'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không' vẫn hiện hữu một cách sống động. Tuy nhiên, những di tích ấy dường như đang thiếu một sự kết nối để phát huy hết những giá trị của một sự kiện mang tầm vóc quốc tế.

Lưu giữ ký ức B-52

“Người dân Ngọc Hà xưa kia nhà nào cũng trồng đầy hoa tươi hai bên bờ giậu, mùi hoa thơm nức lẫn trong gió. Từ Bảo tàng Chiến thắng B-52, tôi cùng các vị khách nước ngoài tản bộ trên những con đường hoa quanh co trong làng Ngọc Hà, đến với không gian mở hồ Hữu Tiệp, nơi một phần xác máy bay B-52 vẫn nằm ở đó. Tất cả đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bất cứ du khách nào đến đây. Họ không thể hình dung được nơi chiến tranh, bom đạn từng đi qua giờ đã là một “bức tranh” thanh bình, đủ màu sắc đến thế"-Trung tá QNCN Phạm Thị Hoàng Vân, cán bộ tuyên truyền Bảo tàng Chiến thắng B-52 bồi hồi nhớ lại những ký ức của hơn 20 năm về trước.

 Xác máy bay B-52 tại di tích hồ Hữu Tiệp được trục vớt để tiến hành tu bổ.

Xác máy bay B-52 tại di tích hồ Hữu Tiệp được trục vớt để tiến hành tu bổ.

Giờ đây, tuyến du lịch đó đã không còn. Một phần do thời gian và tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt, khiến dấu vết làng hoa xưa nay chỉ còn là hoài niệm; phần khác do sự kết nối giữa các cụm di tích vẫn chưa được như mong muốn.

Chúng tôi tìm về di tích hồ Hữu Tiệp, tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội đúng vào thời điểm Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cùng đơn vị thi công đang tiến hành trục vớt xác máy bay B-52. Ông Phạm Minh Hoàng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo hồ Hữu Tiệp có hạng mục quan trọng liên quan đến xác máy bay B-52 nên việc tu bổ được thực hiện một cách khoa học, thận trọng, bảo đảm giữ được các giá trị gốc của di tích và hiện vật, trả lại đúng hiện trạng ban đầu. Trước khi rút cạn nước hồ, đơn vị thi công đã chụp ảnh, số hóa toàn bộ xác máy bay để khi lắp trở lại sẽ bảo đảm nguyên trạng.

“Theo tiến độ, tháng 6-2021 công trình sẽ hoàn thành. Việc tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp cũng như hiện vật thuộc di tích góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô cũng như cả nước. Ban quản lý cụm di tích đã họp với các nhà khoa học và nhận được nhiều ý kiến, tập trung vào việc phát huy giá trị sau khi đầu tư. Ban quản lý sẽ bàn giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình để có phương án phát huy giá trị di tích”, ông Phạm Minh Hoàng thông tin.

Sống tại làng Ngọc Hà đã quá nửa đời người, nhìn lại xác chiếc máy bay B-52 được vớt lên, ông Tống Văn Ninh xúc động chia sẻ: "Đêm đó cả làng thức trắng trong niềm vui sướng khi pháo đài bay B-52 của Mỹ bị bộ đội ta bắn hạ. Phần máy bay đỏ rực như ngọn đuốc lao xuống hồ khiến nước nóng rát. Đây là điểm duy nhất mà máy bay B-52 rơi trong nội thành Hà Nội nên người dân gọi là hồ B-52. Tôi mong rằng hồ Hữu Tiệp sẽ không chỉ là nơi lưu giữ những ký ức về B-52 mà còn phát huy giá trị, trở thành địa chỉ của những bài học truyền thống sống động, trực quan cho thế hệ trẻ".

Học sinh đến tham quan, học tập lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Học sinh đến tham quan, học tập lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Kết nối di tích, kết nối giáo dục

Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52 cho biết: "Chiếc máy bay B-52G bị bắn rơi đêm 27-12-1972 khi chưa kịp cắt bom, một phần rơi xuống khu vực làng cổ trồng hoa Ngọc Hà, phần khác rơi xuống Hồ Hữu Tiệp, chính vì vậy thành phố quyết định đặt Bảo tàng Chiến thắng B-52 tại khu vực này, như một sự gắn kết khăng khít”.

Bảo tàng có hai khu trưng bày trong nhà và ngoài trời, khái quát về truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng của Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Dù mang một tầm vóc lớn như vậy, nhưng theo phân cấp của ngành, Bảo tàng Chiến thắng B-52 hiện chỉ nằm ở nhóm 3. Do đó, nhiều ý tưởng kết nối các di tích hay những phương án tái hiện không gian trận đánh để khách tham quan được sống lại không khí ác liệt của trận "Điện Biên Phủ trên không" năm xưa vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Nhiều chuyên gia bảo tàng cho rằng, việc phát huy cụm di tích hiện nay vẫn chưa có sự quan tâm đặc biệt, chưa có quy ước chung về tuyến tham quan. Tại hội thảo với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, lãnh đạo bảo tàng đã ý kiến mong rằng sau khi công trình hồ Hữu Tiệp được tu bổ xong, hai bên sẽ cùng tìm phương án, gắn kết các di tích lại trở thành một tuyến du lịch, góp phần phát huy giá trị lịch sử của cụm di tích.

Đồng hành với chương trình đưa bảo tàng đến trường học, suốt mấy chục năm qua, Trung tá QNCN Phạm Thị Hoàng Vân vẫn miệt mài tìm tòi, chuẩn bị và đón những đoàn học sinh khắp cả nước về bảo tàng tham quan. Chị Vân cho biết: Công tác kết nối với trường học, với học sinh là ưu tiên hàng đầu của bảo tàng. Lượng khách hằng năm đến bảo tàng khá đông, gần 47.000 lượt, trong đó hơn 50% là học sinh, sinh viên. Bên cạnh hoạt động nói chuyện truyền thống, bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động để đưa bảo tàng đến với các trường ở ngoại thành Hà Nội nhiều hơn. Qua kết nối, hai bên đã tổ chức được nhiều hoạt động học tập bổ ích tại bảo tàng.

Là người làm công tác nghiệp vụ hàng chục năm tại bảo tàng, Trung tá QNCN Phạm Thị Hoàng Vân luôn trăn trở để bảo tàng có một dấu ấn, phát huy được giá trị của một bảo tàng có một không hai trên thế giới. Chị Vân mong ước: “Nếu làng hoa Ngọc Hà cùng một phần không khí năm 1972 của làng được phục dựng thì sự kết nối giữa bảo tàng và di tích hồ Hữu Tiệp sẽ góp phần nâng tầm giá trị của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Bài và ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-phat-huy-gia-tri-cum-di-san-doc-dao-o-thu-do-660655