Bảo tồn, phát huy giá trị đàn đá
Bù Đăng là nơi phát hiện nhiều đàn đá nhất tại tỉnh Bình Phước. Việc phát hiện các thanh đàn đá với số lượng lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ góp phần làm phong phú di sản đàn đá ở Bình Phước mà còn cung cấp thêm tư liệu quý về thời kỳ tiền sử. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Quá trình phát hiện, nghiên cứu
Tháng 3-2020, theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng về việc người dân ở thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn phát hiện đàn đá, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã cử đoàn khảo sát tiếp cận để nghiên cứu. Qua nhận diện bước đầu, các cán bộ bảo tàng xác định đây là đàn đá cổ. Nhóm đàn đá gồm 25 thanh do 2 anh em Điểu Nhiêu và Điểu Mah cùng ở thôn Sơn Lập cất giữ. Người anh Điểu Nhiêu cất giữ 15 thanh và Điểu Mah cất giữ 10 thanh.
Đoàn khảo sát cũng đã tiến hành khai thác thông tin về quá trình phát hiện các thanh đàn. Theo người lưu giữ, trong quá trình đi rẫy, 2 anh tình cờ nghe các con nói nhìn thấy các thanh đá. Sau đó, các anh đến đào lên mang về chia nhau cất giữ. Hai anh cũng cho biết, địa điểm phát hiện các thanh đàn là trên một ngọn đồi ở cùng thôn, cách nhà khoảng 1,5km.
Qua quan sát thực tế, đoàn khảo sát xác định đây là những di vật có giá trị nên đã tiến hành các biện pháp xử lý bước đầu. Trước hết, bảo tàng đã đề nghị 2 gia đình cho đoàn đo đạc chiều dài, cân nặng, chụp hình để lưu nghiệp vụ. Sau đó, Bảo tàng tỉnh phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng khảo sát thực địa nơi phát hiện đàn đá. Tại vị trí phát hiện các thanh đàn, đoàn đã tìm thấy thêm một số hiện vật là công cụ đá và trang sức. Xác định đây là phát hiện có ý nghĩa quan trọng, Bảo tàng tỉnh đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình tham mưu các phương án sưu tầm, nghiên cứu. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân giao nộp hiện vật cho bảo tàng theo quy định.
Sau thời gian dài nỗ lực, đặc biệt là sự quyết liệt của UBND huyện Bù Đăng, đến tháng 3-2021, các thanh đàn đá đã được 2 anh Điểu Nhiêu và Điểu Mah đồng ý chuyển giao huyện Bù Đăng, sau đó chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã chuyển các thanh đàn đá về trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) để phục vụ khách tham quan.
Từ năm 1996 đến nay, huyện Bù Đăng đã phát hiện 3 bộ đàn đá. Trong đó, 1 bộ từ đá tự nhiên chưa qua chế tác, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước; 1 bộ đàn đá gồm 7 thanh, có niên đại hàng ngàn năm với kỹ thuật chế tác tinh xảo, công phu, đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang và bộ đàn đá mới phát hiện nêu trên.
Giá trị của bộ đàn đá
Có thể nói, đây là các thanh đàn đá có nhiều đặc điểm độc đáo, đặc biệt. Qua khảo sát, có 22 thanh còn nguyên vẹn, 3 thanh bị gãy làm nhiều đoạn. Thanh lớn nhất dài 127cm, nặng 24kg; thanh nhỏ nhất dài 35cm, nặng 2kg. Ngoài ra, các thanh đá cũng có dấu vết ghè đẽo hết sức tinh xảo, mỏng, thuộc loại đàn đá khó chế tác.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên cho biết, đàn đá ở Việt Nam có 2 nhóm: đàn đá thuộc nhóm Nam Đảo thường có kích thước dày, kỹ thuật chế tác bằng đục đẽo tương đối thô; đàn đá của nhóm Môn - Khmer có kích thước mỏng, kỹ thuật ghè đẽo, đục rất tinh xảo. Đối chiếu với ý kiến nêu trên, các thanh đàn đá ở Thọ Sơn thuộc nhóm Môn - Khmer.
Cùng với nghiên cứu tại nhà Điểu Nhiêu và Điểu Mah, các đợt nghiên cứu còn tiến hành khảo sát thực địa tại điểm phát hiện. Các đợt khảo sát không chỉ nhận diện điều kiện địa hình của khu vực mà còn phát hiện rất nhiều hiện vật thời kỳ tiền sử như: rìu đá, bàn mài công cụ, nhiều mảnh vòng đá trang sức. Đặc biệt là phát hiện một mảnh khuôn đúc rìu đồng bằng đá. Đây là phát hiện hết sức quan trọng bởi chứng tỏ nơi này đã có thể xuất hiện nghề đúc kim khí, chứng minh thời đại kim khí đã có ở Bình Phước.
Sau nhiều lần khảo sát nghiên cứu thực địa, ngày 15-6-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành giám định các hiện vật thu được, bao gồm: 25 thanh đàn đá, các công cụ đá. Thành viên hội đồng ngoài chuyên gia về lịch sử, khảo cổ học còn có nhạc sĩ Kpa Y Lăng - chuyên gia về âm nhạc dân tộc, chịu trách nhiệm xác định bước đầu âm thanh của đàn đá. Sau khi xem xét kỹ, so sánh với các đàn đá đã phát hiện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, thành viên hội đồng khẳng định các thanh đá này là đàn đá cổ.
Bộ đàn đá Thọ Sơn có nhiều điểm tương đồng với đàn đá Lộc Hòa - đã được công nhận là bảo vật quốc gia, có niên đại ước đoán 3.000 năm. Về mặt kỹ thuật chế tác, đàn đá Thọ Sơn tương đồng với đàn đá Lộc Hòa. Về kích thước và trọng lượng, bộ đàn đá Thọ Sơn có kích thước lớn hơn, dài hơn và nặng hơn. Việc phát hiện các thanh đàn đá không chỉ có ý nghĩa lịch sử văn hóa đối với vùng đất Bù Đăng nói riêng, Bình Phước nói chung mà còn có giá trị đối với khu vực Tây Nguyên và quốc gia.
PGS.TS BÙI CHÍ HOÀNG
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa xác định và phân loại được thanh đá thành các bộ đàn. Bên cạnh đó, âm vực của các thanh đàn cũng chưa đo để xác định một cách chính xác. Việc này rất quan trọng và cần thiết, góp phần làm rõ thêm thông tin của hiện vật, nâng cao giá trị đàn đá.
Hiện nay, các thanh đàn đá đang được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Điều này vừa góp phần phát huy hiện vật địa phương vừa góp phần làm phong phú nội dung trưng bày, tạo sức hút đối với du khách khi đến tham quan khu bảo tồn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/144795/bao-ton-phat-huy-gia-tri-dan-da