Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu lịch sử

Tư liệu lịch sử là di sản của quá khứ để lại cho hiện tại và tương lai, ở đó lưu giữ những ký ức của một vùng văn hóa, một miền đất do con người tạo ra và ghi chép trên nhiều chất liệu. Những năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng bảo tồn và 'đánh thức' di sản tư liệu không chỉ làm cho sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ thêm bền chặt mà còn bồi đắp niềm tự hào về một miền đất giàu bản sắc, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương.

Tìm hiểu tư liệu quý trong kho lưu trữ

Tìm hiểu tư liệu quý trong kho lưu trữ

Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng đang bảo quản 150 phông lưu trữ; thời gian của tài liệu bắt đầu từ năm 1879 - 2021. Nội dung tài liệu chứa đựng thông tin quý, hiếm, có giá trị quan trọng; là nguồn sử liệu vô cùng quý giá và có ý nghĩa, không chỉ phản ánh quá trình hình thành, phát triển của cơ quan, tổ chức mà còn phản ánh những giai đoạn lịch sử gắn với sự hình thành, phát triển của tỉnh Lâm Đồng qua từng thời kỳ. Đó là những ghi chép từ buổi sơ khai, là tiếng nói từ quá khứ, trải hơn 100 năm đang được gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị trong đời sống hôm nay.

Đáng chú ý, có thể kể khối tài liệu khen thưởng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng; trong đó lưu giữ gồm hồ sơ, tài liệu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là khối tài liệu có ý nghĩa to lớn giúp độc giả tra cứu để giải quyết chế độ chính sách của Nhà nước; hiểu những phong trào thi đua yêu nước trong những năm tháng sục sôi kháng chiến, kiến quốc trên vùng đất này.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử Lâm Đồng là điểm đến tìm hiểu di sản tư liệu lịch sử

Trung tâm Lưu trữ lịch sử Lâm Đồng là điểm đến tìm hiểu di sản tư liệu lịch sử

Bên cạnh đó, khối tài liệu Công báo tiếng Việt, Công báo tiếng Pháp, báo tiếng Việt thời kỳ Việt Nam cộng hòa và các tài liệu thời kỳ Tòa Hành chánh tỉnh Tuyên Đức, Tòa Thị chính TP Đà Lạt cùng 9.933 hình ảnh liên quan đến một số hoạt động của các chính quyền thời kỳ trước là khối tài liệu quý hiếm, cho người đọc cái nhìn toàn diện của Lâm Đồng - Tuyên Đức trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử.

Đặc biệt, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang bảo quản 19 hồ sơ cán bộ đi B (tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III). Những bộ hồ sơ này có giá trị nhân văn lớn, đó là minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, với những dòng đơn tình nguyện viết bằng máu cùng tinh thần bất khuất của những ngày cả nước ra trận, xả thân cứu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của một thế hệ khiến người đọc xúc động, tự hào.

Giới thiệu đến công chúng, học sinh, sinh viên nhiều tư liệu lịch sử tại không gian trưng bày

Giới thiệu đến công chúng, học sinh, sinh viên nhiều tư liệu lịch sử tại không gian trưng bày

Nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của các tổ chức, cá nhân, giúp độc giả chủ động trong việc sử dụng tài liệu để phục vụ các nhu cầu công tác, nghiên cứu lịch sử, học tập, Trung tâm đã giới thiệu cụ thể các phông tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Kho lưu trữ. Đồng thời hướng dẫn cặn kẽ quy trình khai thác, sử dụng tài liệu đến độc giả, tạo điều kiện thuận lợi để độc giả khai thác, tra tìm một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác theo đúng quy định; thường xuyên phục vụ khai thác sử dụng tài liệu tại phòng đọc và cấp bản sao, chứng thực tài liệu lưu trữ vào các ngày trong tuần theo giờ hành chính (trừ thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ, tết).

Không ngừng quảng bá giá trị, đưa di sản tư liệu lưu trữ đến với công chúng, Trung tâm đã dành không gian rộng lớn tại tầng 1 để trưng bày, triển lãm những hình ảnh, tư liệu có giá trị. Đó là những tài liệu, phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới, tài liệu bản đồ, bản thiết kế, hình ảnh… về vùng đất Lâm Đồng xưa và nay qua các thời kỳ. Tất cả được sắp xếp trưng bày khoa học theo trình tự từng phần: Những dấu mốc lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng theo thời gian; Lâm Đồng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; Lâm Đồng trong thời kỳ đổi mới. Qua đó giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp Nhân nhân trong nước và quốc tế giá trị của tài liệu lưu trữ về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng. Giúp công chúng đặc biệt là các thế hệ trẻ hiểu biết hơn về giá trị của tài liệu lưu trữ, để thêm trân trọng, yêu quý những di sản tư liệu, những thành quả của các thế hệ ông cha để lại. Việc tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá nét đẹp của vùng đất và con người Lâm Đồng; quảng bá các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.

Với tinh thần trách nhiệm phục vụ công chúng, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu đáp ứng được yêu cầu của độc giả trong khai thác, tra tìm hồ sơ, tài liệu đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Đội ngũ viên chức của Trung tâm luôn lịch sự, ân cần, vui vẻ và hướng dẫn tận tình, chu đáo về các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh, giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định. Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Lâm Đồng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin số hóa, bảo quản tài liệu; phục vụ tốt độc giả đến khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; tăng cường công tác sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm liên quan đến Lâm Đồng để góp phần bổ sung vào nguồn sử liệu của tỉnh nhà ngày càng phong phú.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-santu-lieu-lich-su-f3a2dfc/