'Rau' của biển
Tận dụng hệ sinh thái đặc thù của vùng cửa sông, cửa biển, nhiều hộ dân ở các xã ven biển đã biết bảo vệ và khai thác loài rong câu chỉ vàng mọc tự nhiên trong ao, hồ nuôi trồng thủy sản; kênh, mương dẫn nước vào các ruộng muối. Nhờ thứ 'lộc trời' này mà nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập để nâng cao đời sống.
Rong câu “đổi phận”
Những ngày nắng oi ả, thạch rau câu, canh rau câu... được xem là những món ăn giải nhiệt, được cả người lớn và trẻ nhỏ ưa chuộng. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, thứ thực phẩm được xem là lành, sạch ấy lại được làm ra từ rong câu chỉ vàng - thứ cây nhỏ, mềm, vớt lên từ những đầm nước ven biển. Rong câu chỉ vàng màu vàng nâu, thân cây gầy guộc như những cành cây khô.
Rong câu chỉ vàng có nhiều tại các xã ven biển như: Đa Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Lưu, Hoằng Châu (Hoằng Hóa); phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn... Sau khi thủy triều dâng cao đem theo một lượng lớn rong câu từ ngoài biển tràn vào các đầm nước và ruộng muối. Nước biển rút đi để lại một lượng lớn rong câu, và từ đó chúng có thể mọc tự nhiên trong các ao đầm mà không phải mất công nuôi trồng, chăm sóc nên nhiều người gọi nó là “cỏ biển”.
Trước đây, khi người dân chưa biết giá trị của rong câu thì không ai thèm ngó tới, nhưng khi biết giá trị bổ dưỡng và được các thương lái săn đón thì nghiễm nhiên rong câu trở thành cơ hội kiếm tiền của người dân ven biển. Thậm chí, đến nay người ta còn nuôi trồng nhiều loại rong, có gieo giống, có thu hoạch theo mùa vụ, chứ không chỉ phó mặc cho ông trời nữa.
Rong câu có quanh năm, mùa thu hoạch cao điểm nhất là từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch. Có lẽ rong là thứ thu hoạch nhàn nhất, chỉ cần vớt là có hàng túm rong. Đang vớt rong chuyển lên bờ cho con trai phơi, ông Nguyễn Văn Hiên ở xã Hải Lộc, nói vọng lên: “Trước đây, tôi làm phụ hồ cho các công trình nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy tháng nay thấy nhiều chủ đầm tìm người đi vớt rong câu thuê nên tôi chuyển sang nghề này”.
Nói vớt thuê là bởi ở vùng đệm này đầm bãi đều có chủ, như khu đầm bố con ông Hiên đang vớt rong câu thuê là của anh Lê Văn Kiên ở xã Hòa Lộc. Đầm được chủ đầu tư nuôi tôm, cua, cá... nhưng rong câu mọc dày. Bố con ông Hiên được chủ đầm thuê vớt rong lên rồi đem phơi khô, bán cho đại lý thu gom.
“Hiện thương lái đang mua rong câu với giá khoảng 5.000 đồng/kg, cân xong chúng tôi được chủ đầm chia cho một nửa”, ông Hiên nói.
Trung bình mỗi ngày ông Hiên vớt được khoảng 10 tạ rong câu tươi, phơi khô còn được 2 tạ. Với giá bán từ 5.000 đồng/kg, chia đôi cho chủ đầm ông cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày.
“Mấy hôm nay, con trai của tôi đi học ở xa về cùng tham gia nên trung bình mỗi ngày hai cha con tôi cũng kiếm được tiền triệu”, ông Hiên cho biết.
Chủ đầm Lê Văn Kiên cho hay, nhiều năm nay anh thuê khoảng 2ha ao đầm tự nhiên để nuôi trồng thủy sản và khai thác rong câu. Rong câu dễ nuôi nên sau mỗi mùa thu hoạch tôm, anh bắt đầu thả xen canh rong câu trong đầm, vài tháng có thể thu hoạch.
“Trong tổng diện tích 2ha thì một nửa diện tích tôi nuôi tôm thẻ chân trắng, nửa còn lại tôi nuôi cua, cá xen với khai thác rong câu mọc tự nhiên. Mỗi mùa, tôi khai thác bình quân được khoảng 50 tấn rong câu tươi, sau khi phơi khô còn lại gần 10 tấn, bán cho thương lái, trừ chi phí, thu được cả trăm triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định này cộng với thu nhập thêm từ cua, cá và một số loại thủy sản tự nhiên khác mà gia đình có cuộc sống thoải mái hơn”, anh Kiên cho biết thêm.
Rong câu là loài sinh trưởng khá nhanh, cách mỗi đợt khai thác khoảng 15 ngày là khai thác lại được. Đây cũng chính là nguồn thức ăn ưa thích cho cá dìa, cua... nên mang lại “thu nhập kép” khi vừa tạo ra thu nhập từ chính rong câu, vừa đảm bảo môi trường nuôi tốt để cho ra nguồn thủy sản thương phẩm ngon, có giá thành cao.
Khai thác bền vững
Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu về rong câu, ông Dương Văn Trọng, chủ cơ sở thu mua rong câu lớn ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) xởi lởi mời vào nhà. Trong nhà ông Trọng mấy tấn rong khô được đựng trong các bao dứa nhỏ xếp chồng lên nhau. Mùi tanh biển xực lên tận mũi. Ông Trọng lấy một nắm rong, vần vò trong lòng bàn tay một lúc rồi đưa cho chúng tôi. Thật lạ, mùi tanh tanh đã biến mất, thay vào đó là mùi thơm bột cá thoang thoảng. Ông bảo: “Cái thứ rong rêu này nấu canh ăn mát, bổ, thanh lọc cơ thể là nhất”...
Gia đình ông Trọng làm đại lý thu mua rong câu chỉ vàng gần 30 năm nay. Trung bình mỗi năm đại lý này thu mua khoảng gần 1.000 tấn rong khô ở khắp các tỉnh từ Thái Bình, Nam Định đến Quảng Bình, Quảng Trị... Mặt hàng này tiêu thụ ở Bình Định, Hải Phòng và một số tỉnh khác để chế biến thành các loại thực phẩm như thạch rau câu, nước giải khát, bánh kẹo... hoặc dùng để nấu chè và chế biến các món ăn đa dạng trong bữa ăn hằng ngày vì hàm lượng dinh dưỡng cao.
Chủ tịch UBND xã Hải Lộc Lê Doãn Huân cho biết: “Nhờ rong câu, nhiều hộ dân đã có thêm việc làm trong thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, khi rong câu xuất hiện thì rong tảo, rong giẻ cũng bám theo từng mảng lớn trên các ruộng muối. Đối với người làm muối đây là một trở ngại vì tốn nhiều công dọn ruộng”.
Theo ông Huân, rong câu là nơi trú ẩn, sinh sản của nhiều loài thủy sản. Nếu khai thác quá mức sẽ làm cho thảm cỏ biển bị suy giảm, nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản sẽ không còn. Nhưng nếu không khai thác thì khi hết chu kỳ sinh trưởng rong cũng sẽ tàn lụi, rất phí. Vì vậy, để duy trì nguồn lợi kinh tế nhưng vẫn đảm bảo hệ sinh thái, người dân chỉ nên khai thác vừa đủ, đúng thời điểm. Hiện nay, nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy sản cũng nuôi xen canh rong câu trong các đầm để đảm bảo ổn định môi trường sinh thái vùng nuôi.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/rau-cua-bien-33008.htm