Bảo tồn, phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành, triển khai thực hiện Đề án phát huy giá trị đình làng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tích cực triển khai nhiệm vụ cụ thể theo từng năm, giai đoạn.
Sở VH,TT&DL, các ngành, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân về những giá trị của đình làng, khuyến khích người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn các ngôi đình nhằm tôn vinh giá trị của đình làng. Đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác kiểm kê hệ thống đình làng trên địa bàn tỉnh; đề nghị UBND tỉnh đưa 13 đình vào danh mục kiểm kê Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với các đình: Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Trà Bông, Hội An Đông, Long Hưng A, Tân Phú, Tân Thạnh. Lập hồ sơ trích ngang thỏa thuận với Cục Di sản văn hóa cho tỉnh Đồng Tháp lập hồ sơ khoa học Đình Vĩnh Phước, đề nghị Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Sở VH,TT&DL đã tổ chức 1 lớp tập huấn thực hiện nghi lễ truyền thống dân gian trên địa bàn tỉnh năm 2023 cho thành viên Ban Tế tự, Ban Hội hương, Ban Quý tế của các đình trong tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 140 ngày 22/4/2022 về bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, từ nguồn kinh phí của tỉnh, địa phương đối ứng và vận động xã hội hóa đã thực hiện trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: mái ngói, tường, hàng rào, cổng, kèo cột... tại các ngôi đình: Tân An Trung, Định Yên, Tân Nhuận Đông, Tân Phú Trung, Tân Tịch, Mỹ Ngãi...
Tại huyện Cao Lãnh, theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, toàn huyện có 13 ngôi đình, trong đó, 5 ngôi đình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Giữ gìn, phát huy giá trị đình làng, chính quyền địa phương và Nhân dân quan tâm trùng tu, tôn tạo, phục dựng các ngôi đình trên địa bàn huyện. Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn tỉnh phân bổ, ngân sách huyện và vận động xã hội hóa, huyện Cao Lãnh xây dựng mới Đình Trà Bông; sửa chữa các hạng mục nhà tiên sư, làm hàng rào, tu bổ chánh điện... tại Đình Mỹ Long, Đình Thượng Văn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn sử dụng đình làm nơi sinh hoạt, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, sinh hoạt đờn ca tài tử... góp phần phát huy chức năng gắn kết sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đình làng.
Cùng với sự quan tâm bảo tồn của Nhà nước, những năm qua, nhiều người dân có tấm lòng, tình yêu đặc biệt với đình làng vẫn từng ngày gắn bó, chăm sóc, gìn giữ các ngôi đình. Tại Đình Thượng Văn (tọa lạc ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh), những năm qua, người dân nơi đây góp sức tôn tạo, giữ gìn bằng cả tấm lòng để ngôi đình ngày càng khang trang hơn. Trong đó có ông Trần Văn Hiếu (SN 1970) ngụ ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh đã gắn bó với ngôi Đình Thượng Văn hơn 30 năm. Hằng ngày, ông Hiếu chăm lo hương khói, quét dọn các bàn thờ, trồng hoa, nhổ cỏ trong khuôn viên đình; góp công cùng Ban Tế tự đình sửa chữa sân đình, mái đình. Ông Trần Văn Hiếu, bộc bạch: “Tôi xem đình như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tôi mong những việc làm nhỏ bé của mình sẽ góp phần giữ gìn để ngôi đình tồn tại mãi với thời gian, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ biết về di tích đình làng”.
Ông Nguyễn Văn Tho - Trưởng Ban Tế tự Đình Thượng Văn, cho biết: “Cùng với công tác trùng tu, tôn tạo của Nhà nước, những năm gần đây, địa phương thường xuyên mượn địa điểm đình làm nơi sinh hoạt, hội họp nhằm phát huy giá trị ngôi đình. Hiện nay, Ban Tế tự đình chung tay với chính quyền, Nhân dân ra sức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống thông qua các lễ, hội để giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa di tích đình làng, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Với sự gắn bó của người dân, sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, tin rằng, đình làng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt, sống mãi trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân trong tỉnh.