Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào, các đại biểu nhấn mạnh, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của cả hai nước đều được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong đó, bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của các dân tộc là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết.
Là chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, ở mỗi giai đoạn phát triển, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam sẽ có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khác nhau. Nhưng, trong giai đoạn hiện nay, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số với phát triển du lịch được coi là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số với phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một mặt, để phát triển du lịch, thì giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là nguyên liệu vô cùng quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, có giá trị kinh tế - văn hóa cao hơn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt hơn.
Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay, đã có gần 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn với phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc. Từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm
Chia sẻ về chủ trương, chính sách đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tại Lào, thành viên Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào Sikham Bounmysai cho biết, Lào là quốc gia có nền văn hóa hết sức phong phú và đa dạng, với những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của 50 dân tộc anh em, tập hợp lại thành "vườn văn hóa" của cả cộng đồng trên cả nước và trở thành di sản vô giá, là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là yếu tố hết sức quan trọng đối với sự tổn tại của quốc gia.
Nhận rõ giá trị và tầm quan trọng của văn hóa Lào, Đảng, Nhà nước Lào đã ban hành những chủ trương chấn hưng và phát triển văn hóa quốc gia phù hợp với từng giai đoạn; nỗ lực tích cực phục hồi những nét đẹp của văn hóa, khuyến khích bảo tồn văn hóa phong tục tập quán truyền thống đã được nối truyền từ lâu đời. Đồng thời, ban hành nhiều đạo luật, văn bản pháp luật có liên quan.
Khẳng định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số của hai nước Việt Nam và Lào đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, song các đại biểu dự tại hội thảo cũng nêu rõ, trên thực tế, công tác này vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của mỗi nước còn nhiều khó khăn, do đó việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương những vùng này và của chính đồng bào trong duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chưa thường xuyên và sâu rộng.
Vì vậy, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tiếp tục đạt kết quả tích cực hơn nữa, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách này cần thống nhất 3 quan điểm có tính nguyên tắc. Đó là phát triển bền vững và du lịch bền vững; góp phần nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; và cần định vị, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của cả hai nước đều được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, nhất là phát huy tối đa, tiềm năng lợi thế. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ, các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, thu được những kết quả nhất định được Quốc hội hai nước đánh giá cao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị, giải pháp quan trọng được đưa ra tại hội thảo lần này sẽ là những kinh nghiệm, kiến thức quý báu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan có liên quan của hai nước trong lĩnh vực dân tộc.
Đặc biệt, thông qua hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lần này giữa hai cơ quan phụ trách công tác dân tộc của Quốc hội hai nước, còn thiết thực góp phần vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, thủy chung, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nói chung cũng như quan hệ giữa hai Quốc hội hai nước nói riêng.