Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch cộng đồng tại Kon Tum

Kon Tum là một tỉnh nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có lịch sử lâu đời, có nhiều dân tộc cùng chung sống đã tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Thực hiện Dự án 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là nguồn lực giúp Kon Tum phát triển bền vững du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Toàn cảnh làng Kon Ktu. Ảnh: dulichvn.org

Toàn cảnh làng Kon Ktu. Ảnh: dulichvn.org

Kon Tum hiện có 04 làng được công nhận là điểm du lịch cộng đồng: làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi – thành phố Kon Tum), làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa – thành phố Kon Tum), làng văn hóa – du lịch Kon Pring (thị trấn Măng Đen – huyện Kon Plông) và làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Trong đó, làng Kon Ktu thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum là 01 làng cổ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân tộc Bahnar, được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP du lịch hạng 3 sao. Với nét đặc hữu riêng về kiến trúc của một làng cổ cùng những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống của người Ba Na, làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu đã tạo được điểm nhấn về du lịch của thành phố Kon Tum. Tháng 7/2020, UBND thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu.

Hiện nay, làng vẫn lưu giữ, duy trì những lễ hội văn hóa truyền thống, nghề tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, đi thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla, kiến trúc làng, nhà rông, nhà nguyện, văn hóa cồng chiêng… Mặt khác, làng còn có nhiều hệ thống sông, suối chảy qua Sông ĐăkBla, suối Đăk Htô, Đin Ja, Teng Tong... gắn với địa hình đồi núi, rừng cây và diện tích canh tác nương rẫy tạo ra cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng nghỉ, các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm hấp dẫn như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla… nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong làng, mỗi hộ sẽ nuôi heo, nuôi gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm khi có du khách ghé thăm. Hơn thế nữa, làng luôn duy trì và phát triển đội cồng chiêng địa phương phục vụ du khách, các nghệ nhân cũng được mời về để biểu diễn.

Ngoài làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, còn phải kể đến làng là làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Rơ Ngao: nhà Rông, nghề dệt thổ cẩm, các bộ cồng chiêng hay nhiều ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc văn hóa truyền thống như nhà sàn,… Không chỉ được thưởng thức các loại hình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động gắn với sông nước bên lòng hồ thủy điện Plei Krông cùng các món ăn dân gian truyền thống (cơm lam, gà nướng, rượu cần,…); hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng với những điệu múa, những bài ca đậm chất Tây Nguyên; tham quan, tham gia chế tác và sử dụng các nhạc cụ dân tộc hay tham gia đan lát, dệt thổ cẩm… Cùng với đó, du khách còn được chứng kiến những lễ hội truyền thống của người Rơ Ngao được phục dựng lại: Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà mới, Lễ thổi tai, Lễ trỉa lúa… Các lễ hội này đều mang tính nguyên vẹn và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thẩm mỹ nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân bản địa giúp du khách hiểu thêm về đời sống, sản xuất, văn hóa của người Rơ Ngao nói riêng và người Banar nói chung.

Để các nét văn hóa đặc trưng của người Rơ Ngao được bảo tồn và phát huy, UBND huyện Đăk Hà đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động nhằm phối hợp, rà soát, đề xuất các điểm du lịch. Huyện còn tập trung đầu tư, sửa chữa, hình thành điểm du lịch cộng đồng làng Kon Trang Long Loi; xây dựng website, bản đồ du lịch số, phát triển sản phẩm du lịch để quảng bá hình ảnh, khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19, xây dựng làng Kon Trang Long Loi trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng – điểm đến cho du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, việc gìn giữ những lễ hội, nghề dệt thổ cẩm hay dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng nên các thế hệ trẻ lớn lên đều biết đến các giá trị truyền thống, các bài đánh, múa chiêng.

Bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống các DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ DTTS rất ít người Brâu và Rơ Măm; tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch” (định kỳ 2 năm một lần)... Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, giá trị của di sản văn hóa truyền thống cho đồng bào DTTS.

Bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống các DTTS. Ảnh: langngheviet.com.vn

Bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống các DTTS. Ảnh: langngheviet.com.vn

Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình là nguồn trợ lực quan trọng để tỉnh Kon Tum đầu tư phát huy thế mạnh đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch. Năm 2022, tỉnh đã giải ngân gần 2,3 tỷ đồng để thực hiện chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội truyền thống của dân tộc Rơ Măm; lễ hội ăn than của dân tộc Gié Triêng. Cùng với đó, xây dựng Câu lạc bộ văn hóa dân gian tại làng Ba Khen, xã Văn Xuôi huyện Tu Mơ Rông; hỗ trợ hoạt động cho 5 đội văn nghệ truyền thống các thôn vùng đồng bào DTTS; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống cấp huyện, tỉnh; Hỗ trợ trang thiết bị tại các thôn, làng vùng đồng bào DTTS và tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống, xúc tiến du lịch.... Ngoài ra, tỉnh đã phục dựng 33 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả của người Rơ Măm, lễ cúng làng của người Brâu, lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng, lễ cầu an của người Gia Rai... Không chỉ vậy, các câu chuyện sử thi, bài ca dao, dân ca, truyện cổ cũng được sưu tầm và tư liệu hóa, xuất bản thành các ấn phẩm để phổ biến lại trong cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh bảo tồn, 502/622 làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức, cùng nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn.

Cùng với công tác bảo tồn, tỉnh Kon Tum cũng quan tâm, chú trọng đến việc phát huy lợi thế, giá trị của văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển với du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Trong đó, tập trung quy hoạch, xây dựng các làng đồng bào DTTSnhư: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); điểm du lịch làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy)... thành các điểm du lịch cộng đồng; thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương. Đồng thời, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên, môi trường; phải lồng ghép được tính giáo dục và ý thức gìn giữ cảnh quan vốn có. Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, cần nghiên cứu, đưa ra các phương án khai thác phù hợp.

Tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Ban quản lý làng du lịch, người dân về đón tiếp và phục vụ khách; kinh doanh, ngoại ngữ, quảng bá hình ảnh…

Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Nâng cao ý thức tự bảo tồn, phát huy các nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Anh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-gan-voi-du-lich-cong-dong-tai-kon-tum-55499.html