Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi vùng nam Trung Bộ
Ngày 16/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và nam Trung Bộ trong tình hình mới', thu hút đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các chuyên gia tham dự.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng nam Trung Bộ nói chung đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đặt ra nhiều thách thức.
Đáng lo ngại, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguy cơ mai một, thất truyền; đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần chưa đồng đều giữa các vùng miền, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Theo đồng chí Trần Hoàng Tuấn, mục đích của việc tổ chức Hội thảo khoa học lần này là nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và chuyên gia đề xuất các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và khu vực nam Trung Bộ trường tồn với lịch sử văn hóa, hòa chung vào dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Trình bày tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và chuyên gia đều khẳng định, vùng nam Trung Bộ với sự tập trung của khoảng 30 dân tộc thiểu số đang sinh sống đã đem lại những sắc thái văn hóa riêng góp phần vào bức tranh chung cho mỗi tỉnh và toàn vùng. Đây chính là những ưu thế của văn hóa vùng nam Trung Bộ.
Bên cạnh giới thiệu những cách làm sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi khu vực nam Trung Bộ, các đại biểu cũng đã nhìn nhận, trong bối cảnh mới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại, nếu những di sản văn hóa của dân tộc thiểu số trong vùng không được giữ gìn, khôi phục và trao truyền sẽ có nguy cơ mai một, quên lãng và bị mất đi.
Do vậy, để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc miền núi khu vực nam Trung Bộ, giải pháp căn cơ mà các đại biểu đề xuất là cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy giúp cho bản thân mỗi tộc người thấy được giá trị của mình trước sự đa dạng văn hóa chung của toàn quốc và cao hơn là giúp cho chính họ dùng văn hóa tộc người của mình để nuôi dưỡng, vun trồng, làm phong phú đời sống tinh thần của họ và gìn giữ bản sắc văn hóa tộc người, giáo dục các thế hệ gìn giữ truyền thống của cha ông mình cũng như tìm thấy chỗ đứng riêng của họ trong vườn hoa nhiều hương sắc của văn hóa Việt Nam. Qua đó, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông, vừa phát triển kinh tế của mỗi địa phương.
Đồng thời, đem những giá trị văn hóa dân gian góp phần với thế giới vì mục đích hòa bình và thân thiện giữa các dân tộc trong mái nhà chung của quốc tế.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, vấn đề giáo dục di sản là hết sức quan trọng. Để làm được điều này, ngoài việc thực hành di sản của tộc người để các thế hệ trao truyền cho đời sau các giá trị văn hóa, thì việc giáo dục di sản có thêm một vấn đề nữa là đưa vào trường học dạy cho lớp trẻ với nhiều hình thức khác nhau.
“Với các bài học lý thuyết và thực hành tại chỗ, học sinh được trải nghiệm, rồi sau đó về thực hành tại nhà cùng những người thân, những nghệ nhân đang sống trong bản làng. Đó là cách giữ gìn bền vững và dễ gần, dễ thấm vào lòng người một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý nhấn mạnh.