Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong trường học

Không chỉ là nơi đào tạo con em các dân tộc về tri thức, trường còn là nơi giúp các em hiểu được những giá trị sâu sắc và tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, là nơi các em bồi đắp tâm hồn để các em biết yêu, biết trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là chia sẻ của thầy giáo Lê Văn Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc khi nói về công tác giáo dục văn hóa truyền thống.

Tiết mục văn nghệ tại lễ ra mắt câu lạc bộ văn hóa các dân tộc của Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc.

Tiết mục văn nghệ tại lễ ra mắt câu lạc bộ văn hóa các dân tộc của Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc.

Có mặt tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc vào một ngày cuối tuần khi thầy cô giáo và học sinh đang luyện tập những tiết mục văn nghệ đặc sắc để chuẩn bị cho năm học mới. Nhìn các em học sinh luyện tập hăng say có thể thấy được tình yêu và đam mê văn hóa dân tộc của các em lớn tới chừng nào.

Em Phạm Văn Hoàn, học sinh lớp 11A2, cho biết: “Em rất vinh dự khi được tham gia câu lạc bộ văn hóa các dân tộc của nhà trường; được trình diễn khua luống, cồng chiêng tại lễ khai giảng. Đây là điều kiện để góp phần lan tỏa, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”.

Tương tự, em Bùi Văn Toàn, học sinh lớp 11A1, chia sẻ: "Em đã tham gia các hoạt động văn hóa dân tộc ngay từ những ngày đầu học tại trường. Em thấy các hoạt động rất bổ ích, giúp em hiểu biết sâu thêm về văn hóa dân tộc mình và các dân tộc khác. Từ đó, em nhận thấy mình cần có trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc".

Trao đổi với thầy giáo Lê Văn Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, được biết song song với việc giảng dạy văn hóa, nhà trường luôn làm tốt công tác giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc cho học sinh. Mục tiêu của nhà trường là tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với các loại hình văn hóa dân gian của các dân tộc, nhất là đối với các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh thông qua nhiều hoạt động trong giờ học và ngoại khóa. Từ đó, các em học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp và có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngay trong trường học, hàng năm Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã xây dựng kế hoạch giáo dục văn hóa dân tộc trong nhà trường và triển khai đến toàn trường. Ban giám hiệu phân công cán bộ, giáo viên phụ trách xây dựng nội dung học tập; giao cho các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và một số giáo viên am hiểu về văn hóa dân tộc để tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh hiểu và thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Các hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống chủ yếu được nhà trường triển khai thông qua các hoạt động ngoại khóa. Hàng năm, mời các nghệ nhân dân gian như: Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Hương, Phạm Vũ Vượng ở Ngọc Lặc; đoàn nghệ nhân dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn, Lang Chánh và nhiều nghệ nhân khác về trường để gặp gỡ, trao đổi với học sinh về cội nguồn, giá trị của các di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng dẫn các em thực hành các trò chơi, trò diễn, cách diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc. Qua đó, khơi dậy tình yêu, đam mê với văn hóa truyền thống cho các em học sinh.

Để các hoạt động văn hóa dân gian được phát triển, nhà trường đã thành lập được câu lạc bộ văn hóa các dân tộc với gần 100% học sinh tham gia. Bên cạnh đó, mỗi năm trước khi về nghỉ Tết Nguyên đán nhà trường tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống như thi gói bánh chưng, thi kéo co, ném còn, đi cà kheo, chơi ô ăn quan, chơi thẻ... Theo thường lệ, cứ hai năm nhà trường lại tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc cho học sinh của nhà trường. Ngày hội đã thu hút được đông đảo phụ huynh, học sinh địa phương tham gia.

Cùng với chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã quan tâm hoạt động giáo dục về nguồn. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh giỏi, xếp loại tốt, học sinh các khối theo chương trình Giáo dục địa phương tham quan, học tập tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng tỉnh, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Thành Nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh...

Có thể thấy, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã góp phần không nhỏ cùng địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-phat-huy-van-hoa-nbsp-truyen-thong-trong-truong-hoc-32796.htm