Bảo tồn quần thể san hô hòn Yến
Hòn Yến thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 20km. Hòn đảo này được gọi là hòn Yến bởi trước đây có rất nhiều chim yến chọn làm nơi trú ngụ, nhưng hiện nay chim yến di cư và tập trung chủ yếu ở hòn Sam, hòn Nội. Năm 2018, quần thể hòn Yến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia. Việc bảo vệ môi trường sinh thái và rạn san hô ở hòn Yến không chỉ làm đẹp thêm cho danh thắng này mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Quần thể hòn Yến với thế mạnh là một danh thắng quốc gia có hệ sinh thái san hô đẹp và đa dạng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đang được chính quyền địa phương hướng dẫn người dân thực hiện. Đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gần gũi với thiên nhiên.
Theo Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), ghi nhận nơi đây có 22 loài san hô thuộc 7 họ. Nhiều loài chỉ được ghi nhận ở vùng biển tỉnh Phú Yên, như: san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae và san hô lỗ đỉnh (chi Lobophytum)... Chính vì những giá trị độc đáo này nên các chuyên gia đã có nhiều nghiên cứu để thành lập các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái trên vùng biển tỉnh Phú Yên.
Dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên” (gọi tắt là dự án hòn Yến) được Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam (Global environment fund - Small grants program, viết tắt là GEF SGP) thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Trước tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật biển; nhiều rạn san hô bị phá hủy nhanh chóng, từ tháng 8-2020 đến tháng 9-2022, GEF SGP tài trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô hòn Yến, huyện Tuy An. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 3,2 tỷ đồng. Trong đó, GEF SGP/UNDP tài trợ gần 1,1 tỷ đồng; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) tài trợ 900 triệu đồng và UBND tỉnh Phú Yên đối ứng gần 1,2 tỷ đồng.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ từ UNDP, UBND tỉnh Phú Yên cũng đang tích cực thực hiện việc đánh giá hệ sinh thái san hô hòn Yến và một số khu vực trên địa bàn tỉnh để lập các phương án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu danh lam thắng cảnh quần thể hòn Yến. Phương án bảo tồn hệ sinh thái san hô hòn Yến đã xác lập 4 vùng chức năng gồm: vùng lõi (17,69 ha) được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa những tác động; vùng đệm B1 với (22,5 ha) được xác lập là phân khu liên kết du lịch và nghiên cứu địa chất; vùng đệm B2 (khoảng 20 ha) phát triển nuôi ương tôm hùm nhằm đảm bảo thu nhập cho cộng đồng dân cư; vùng đệm B3 (8,35 ha) là khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Dự án hòn Yến đã hướng dẫn cho 30 hộ dân địa phương thực hiện một số mô hình sinh kế mới theo hướng dịch vụ du lịch cộng đồng, như: mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học; mô hình nuôi trồng hoặc đánh bắt thủy sản tự nhiên; mô hình nuôi cấy, chăm sóc san hô...
Dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên” đặt ra mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ hệ sinh thái. UNDP kỳ vọng, mô hình bảo tồn rạn san hô ở hòn Yến sẽ trở thành hình mẫu của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ môi trường sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hòn Yến cũng sẽ là điểm du lịch học tập trong nước và quốc tế về mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái san hô.
Thanh Trà (tổng hợp)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/139650/bao-ton-quan-the-san-ho-hon-yen