Bảo tồn sinh cảnh các khu đất ngập nước góp phần lưu trữ carbon
Việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước (khu Ramsar), góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Góp phần lưu trữ carbon
Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, rừng ngập mặn được đánh giá là hệ sinh thái có năng suất cao ở khu vực ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu; đóng góp 50% vật chất cho đại dương từ các vật liệu trong rừng và 15% tổng lượng vật chất hữu cơ trong trầm tích biển. Các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái từ rừng ngập mặn bao gồm hai chức năng chính: Chức năng sinh thái (bảo vệ môi trường trước lũ lụt, bão và thủy triều, kiểm soát xói lở bờ sông biển, duy trì đa dạng sinh học và nguồn gen, lưu trữ và luân chuyển chất hữu cơ, chất ô nhiễm và nguồn dinh dưỡng, sản xuất oxy, lưu trữ khí CO2…). Trong đó, chức năng lưu trữ carbon hữu cơ có vai trò quan trọng trong trữ lượng carbon toàn cầu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Việc nghiên cứu đưa ra những chính sách, định hướng về bảo tồn rừng ngập mặn và đánh giá trữ lượng carbon là rất cần thiết.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới. Nằm trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên 41.862 ha, bao gồm diện tích đất liền 15.262 ha và diện tích đất ven biển 26.000ha. Hệ động vật có 93 loài chim, thuộc 23 họ; 26 loài thú thuộc 11 họ; 43 loài bò sát thuộc 12 họ; 9 loài lưỡng cư, với 5 họ; cá 139 loài, 89 giống 55 họ; tôm 24 loài. Nhiều loài quý hiếm như: bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc, cầy giông đốm lớn, rái cá, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ… Phần lớn diện tích đất là bãi bùn ngập triều và rừng ngập mặn, với nhiều loài thực vật.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Dư Văn Toán cùng các cộng sự đã đánh giá sự tích lũy carbon trong đất rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau cho thấy hàm lượng carbon tích tụ giảm dần theo độ sâu, khả năng lưu trữ carbon của các khu rừng ngập mặn ven biển Việt Nam tương đương với các vùng nhiệt đới khác trong khu vực, có thể lên đến hơn 900 tấn carbon hữu cơ/ha. Vai trò của rừng ngập mặn trong việc lưu trữ một lượng lớn các bon ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới trong trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Dư Văn Toán đánh giá, tại Việt Nam, tuy những công tác kiểm kê và đánh giá về trữ lượng carbon của rừng ngập mặn chưa được thực hiện một cách chi tiết nhưng những chiến lược, chính sách về quản lý, khai thác thị trường carbon nói chung đã được các nhà hoạch định chính sách đưa vào những văn bản cụ thể. Với diện tích khoảng 150.000 ha rừng ngập mặn và giá tạm tính ở thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2, lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ carbon là rất lớn. Quan trọng hơn, nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Ngoài ra, nhằm thực hiện cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế về giảm phát thải carbon của Việt Nam, cần có những định hướng về bảo tồn rừng ngập mặn và đánh giá trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng ngập mặn trong thời gian tới.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách quốc gia về vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về định giá giá trị kinh tế của chức năng hấp thu, lưu trữ carbon của rừng ngập măn; nghiên cứu xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật đánh giá trữ lượng carbon cho các hệ sinh thái rừng nói chung và rừng ngập mặn nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực tham gia và thực thi các công ước về giảm phát thải, giảm phá rừng và suy thoái rừng nâng cao vị thế của Việt Nam trường quốc tế; tham gia và đóng góp các sáng kiến quốc tế chính về phục hồi rừng ngập mặn; xây dựng những chương trình điều tra cơ bản về đánh giá, kiểm kê tổng hợp trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng ngập mặn...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn đất ngập nước
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay, Việt Nam đã đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể - Bắc Kạn (2011); Tràm Chim – Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo (2014); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long – Ninh Bình (2017). Bước đầu, Mạng lưới các khu Ramsar của Việt Nam đã được thiết lập, vận hành hoạt động với địa chỉ website tại trang thông tin điện tử https://vran.vn/.
Năm 2023, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành hai Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar, danh mục vùng đất ngập nước quan trọng; góp phần hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, từng bước thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar). Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai hướng dẫn địa phương và tổ chức thẩm định Hồ sơ đề cử Khu Ramsar Bắc Đồng Nai là khu Ramsar thứ 10 của Việt Nam lên Ban thư ký Công ước Ramsar.
Tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ 14 Công ước Ramsar diễn ra vào cuối năm 2022, Đoàn Việt Nam đã tham dự nhiều sự kiện chính thức và bên lề Hội nghị nhằm học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về quản lý và bảo tồn đất ngập nước. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng khung pháp lý bảo tồn đất ngập nước; các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hiện trạng bảo tồn chim hoang dã di cư và các nhiệm vụ đặt ra tại Chỉ thị số 04/CT-TTg của Chính phủ; các nội dung ưu tiên trong bảo tồn đất ngập nước và chim nước di cư tại Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Công ước Ramsar trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tăng cường tính thực thi pháp luật và đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước, đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Việc mở rộng các khu Ramsar và đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới các khu Ramsar cũng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo duy trì các đặc tính sinh thái của khu đất ngập nước.